Bài 2: Tăng cường phân cấp và gắn trách nhiệm

14:57 | 26/07/2021 Print
(TBTCVN) - Nhìn lại quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, bên cạnh nhiều kết quả đáng ghi nhận, thì thực tế cho thấy còn những hạn chế khiến quá trình cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt kế hoạch đề ra.

9

Infographic: HỒNG VÂN

Một trong số đó là nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, địa phương, doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp.

Thiếu sự quan tâm, quyết liệt trong đổi mới doanh nghiệp

Tính đến hết năm 2020, còn 89 doanh nghiệp (DN) chưa hoàn thành cổ phần hóa và 250 DN chưa hoàn thành thoái vốn theo kế hoạch. Một trong những nguyên nhân đã nhiều lần được đề cập là một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (NN) và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện, chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập; chưa xem xét đúng trách nhiệm của người đứng đầu các DN thực hiện cổ phần hóa.

Qua theo dõi, giám sát, Bộ Tài chính cho biết có tình trạng nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa quan tâm, quyết liệt trong việc đôn đốc, chỉ đạo các DNNN rà soát, xây dựng đề án cơ cấu lại DN theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Đáng chú ý, còn tư tưởng không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại.

Mặc dù câu chuyện xử lý trách nhiệm người đứng đầu để bảo đảm tiến độ cổ phần hóa đã nhiều lần được nhắc đến nhưng trên thực tế vẫn chưa có cá nhân nào bị nhắc tên, trong khi nhiệm vụ cổ phần hóa chưa thể hoàn thành theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, cũng chưa có các chế tài đủ mạnh đối với việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN không hoàn thành/không triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch.

Đây là những vấn đề đã được phân tích, đánh giá tại Đề án Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025, để từ đó đề ra mục tiêu, giải pháp phù hợp cho giai đoạn tới.

Xóa bỏ cơ chế can thiệp hành chính, bao cấp chính sách

Theo đề án đã được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ, tới đây sẽ xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp chính sách cho các DNNN; công khai thủ tục, điều kiện, quá trình lựa chọn và đối tượng tiếp nhận các nguồn lực quốc gia, đặc biệt là đất, tài nguyên thiên nhiên; tín dụng; cơ hội đầu tư, kinh doanh; ưu đãi tài chính, thuế. Người đại diện phần vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, DNNN có trách nhiệm giải trình về tài chính, đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN; hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; bảo toàn, phát triển vốn nhà nước theo quy định của pháp luật và yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Cùng với đó, hệ thống tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả và xếp loại DN và người quản lý sẽ được hoàn thiện theo các tiêu chí tổng thể, theo mục tiêu đầu tư vốn nhà nước gắn với trách nhiệm tuân thủ pháp luật và các quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu; quy định rõ, cụ thể quyền và trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước được tăng cường để kịp thời chấn chỉnh xử lý những sai phạm.

Đối với trách nhiệm của người đứng đầu, đề án nêu rõ giải pháp gắn trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương, người đại diện phần vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với việc phê duyệt phương án cơ cấu lại DN, tổ chức và giám sát việc triển khai thực hiện có hiệu quả phương án được duyệt. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước được gắn với công tác công khai thông tin của DN. Chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV), chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có trách nhiệm giải trình trước cơ quan đại diện chủ sở hữu khi được yêu cầu.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), sau cổ phần hóa, vị trí lãnh đạo của nhiều DN không thay đổi, vẫn là người cũ do đó có tình trạng chây ỳ việc niêm yết lên sàn theo quy định sau khi DN đã cổ phần hóa. Bên cạnh đó, chế tài xử lý của chúng ta chưa đủ mạnh để các DN, đặc biệt là người đứng đầu DN phải nghiêm túc thực thi quy định này.

Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh cho rằng muốn cổ phần hóa DN đi được đúng tiến trình và quỹ đạo thì phải gắn trách nhiệm của từng cá nhân, đó là người đứng đầu DN và cơ quan chủ quản. Ông đề nghị cần phải mạnh tay hơn, có thái độ quyết liệt hơn để xử lý những trường hợp cố tình chây ỳ, làm chậm quá trình cổ phần hóa.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 và đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, cần phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, sắp xếp DNNN để có thêm nguồn lực, không thể mãi tình trạng “ì ạch”, “biết rồi nói mãi” như thời gian vừa qua. TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, việc cổ phần hóa sẽ đụng chạm đến lợi ích của các bộ, ngành, cơ quan chủ quản, người đứng đầu DN. Do đó sẽ có sự trì hoãn nhất định bởi không ai muốn mất đi lợi ích.

Rõ người, rõ trách nhiệm trong cổ phần hoá

Bên cạnh việc tăng cường phân cấp cho chủ sở hữu và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), một điểm mới nữa của đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn tới là tăng cường trách nhiệm và giám sát của các cơ quan liên quan. Theo đó, sẽ gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan liên quan và cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc phê duyệt, chỉ đạo, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện đề án cơ cấu lại DNNN trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình của DNNN trước cơ quan đại diện chủ sở hữu. Phân định rõ việc quản lý vốn tại doanh nghiệp (DN) và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của DN theo hướng tiến hành thuê, tuyển người quản lý DN đối với DN trên 50% vốn nhà nước.

Trong việc xây dựng và phê duyệt đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn tới, Đề án quy định theo hướng cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo các DNNN rà soát, đánh giá kết quả triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực, nội dung chính của DNNN trong giai đoạn 2011 - 2020, từ đó xây dựng đề án cơ cấu lại cho các nội dung chưa triển khai, hoặc chưa hoàn thành.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam