Không điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xe nâng

10:55 | 26/07/2021 Print
Trước kiến nghị tăng mức thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xe nâng, Bộ Tài chính trình Chính phủ không điều chỉnh thuế mặt hàng này, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp trong ngành vận tải, bốc xếp vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

xe nâng

Theo các Hiệp định FTA, mặt hàng xe nâng có thuế nhập khẩu 0%. Ảnh: TL.

Công ty TNHH Clark Material Handling Việt Nam có kiến nghị tăng mức thuế nhập khẩu MFN mặt hàng xe nâng để bảo hộ sản xuất trong nước.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP và các Nghị định ban hành Biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện cam kết trong các Hiệp định FTA quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của các mặt hàng xe nâng thuộc nhóm 84.27.

Cụ thể: Mặt hàng xe tự hành chạy bằng mô tơ điện thuộc mã hàng 8427.10.00; mặt hàng xe tự hành khác thuộc mã hàng 8427.20.00, mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 0%, cam kết trần WTO là 5%, thuế suất theo các Hiệp định FTA là 0%.

Mặt hàng xe nâng hạ khác, mã hàng 8427.90.00, mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 0%, cam kết trần WTO là 0%, thuế suất theo các Hiệp định FTA là 0%.

Theo Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT ngày 30/3/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về ban hành danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được không có mặt hàng xe nâng thuộc nhóm 84.27.

Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 7.300 chiếc, năm 2020 nhập khẩu giảm 10% (6.600 chiếc). Thị trường nhập khẩu chính năm 2020 lần lượt là Trung Quốc chiếm 75,1% thị phần, Nhật Bản chiếm 14,6% thị phần, Hàn Quốc chiếm 3,5% thị phần.

Theo thông tin Công ty TNHH Clark Material Handling Việt Nam cung cấp, hiện năng lực sản xuất của 3 nhà máy đạt 6.000 xe/năm, từ tháng 9 năm 2019 Công ty đã sản xuất được khoảng 1.500 chiếc và bán cho hơn 90 quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là các quốc gia đã có thỏa thuận song phương/đa phương với Việt Nam và có mức thuế suất ưu đãi đặc biệt là 0%.

Theo đó, trường hợp điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu MFN thì không có hiệu quả do mặt hàng này nhập khẩu từ các quốc gia được hưởng ưu đãi đặc biệt với Việt Nam. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ không điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xe nâng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp trong ngành vận tải, bốc xếp vẫn đang gặp nhiều khó khăn./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam