Các đơn vị ngành Tài chính phía Nam: Linh hoạt ứng phó với dịch Covid-19 trong mọi tình huống

09:41 | 26/07/2021 Print
(TBTCVN) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan cũng đã phát đi văn bản yêu cầu các đơn vị trong hệ thống, đặc biệt là các đơn vị thuộc 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch.

Thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch

Cán bộ Hải quan TP. Hồ Chí Minh đo thân nhiệt cho khách đến giao dịch.

Áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị thuộc ngành Tài chính khu vực phía Nam đang rất linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đúng tinh thần đảm bảo “mục tiêu kép”.

Cục Hải quan Đồng Nai: Áp dụng ngay phương án “3 tại chỗ”

Đại diện lãnh đạo Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, khi tình hình dịch Covid -19 lần thứ 4 xâm nhập và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, một số phường tại thành phố Biên Hòa buộc phải phong tỏa. Từ ngày 16/7, Cục Hải quan Đồng Nai đã triển khai ngay phương án “3 tại chỗ”: ăn - nghỉ - làm việc 24/24 tại cơ quan, với số lượng phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Mục tiêu chính là không để ách tắc trong khâu giải quyết thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu và kiểm soát chống buôn lậu tại các khâu trọng yếu. Đơn vị đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, giám sát hải quan, đảm bảo việc thông quan hàng hóa được hoạt động bình thường, không để phát sinh vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại tại đơn vị quản lý.

Lãnh đạo Cục Hải quan Đồng Nai cũng đã chủ động quán triệt toàn thể cán bộ công chức, nhân viên chuẩn bị tinh thần sẵn sàng khi có thông báo buộc phải ở lại cơ quan 24/24h trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, buộc phải cách ly y tế đảm bảo công tác phòng chống dịch. Cùng thời điểm Cục Hải quan Đồng Nai đã kích hoạt kịch bản giả định 4 phương án phòng chống dịch theo từng cấp độ. Trong đó, đơn vị xây dựng phương án trong trường hợp có một hoặc hơn một cán bộ công chức, nhân viên đơn vị bị nhiễm bệnh đến cấp độ một hoặc nhiều đơn vị hải quan thuộc và trực thuộc bị phong tỏa.

Cục Hải quan An Giang: Quyết không để hàng lậu qua biên giới

Cục trưởng Cục Hải quan An Giang Trần Quốc Hoàn cho biết, nhiều tháng qua đơn vị đã tăng cường thực hiện “mục tiêu kép”. Đặc biệt, khi áp dụng thực hiện Chỉ thị 16, đơn vị đã tăng cấp độ thực hiện nhiều giải pháp so với trước đó. Tại Văn phòng cục đã thực hiện đẩy mạnh áp dụng biện pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khai báo hải quan qua các hình thức điện tử như: tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ điện tử, hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến “HQ36a”; triển khai khai báo bổ sung, thanh toán tiền thuế 24/7 qua hệ thống ngân hàng; tận dụng các kênh điện thoại, e-mail để trả lời, hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế tối đa việc doanh nghiệp đi lại, tiếp xúc với cơ quan hải quan.

Việc kiểm tra, giám sát hàng hóa vừa phải nhanh chóng thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo an toàn, góp phần giúp cho hàng hóa thông suốt, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp. Đơn vị rà soát lại tình hình nợ thuế, đưa ra các biện pháp thu hồi nợ, không để phát sinh nợ mới tại đơn vị, hạn chế thấp nhất tình trạng thất thu thuế. Song song đó, đơn vị phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng, công an và lực lượng thuộc Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường các biện pháp nghiệp vụ tại các chốt kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay, trang phục bảo hộ...; tăng cường đề cao cảnh giác, kiên quyết không để tình trạng các đối tượng lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để vận chuyển trái phép hàng lậu, hàng cấm qua biên giới.

Cục Thuế Bình Phước: Nâng từng cấp độ theo diễn biến xấu của dịch

Trước khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Cục Thuế Bình Phước ban hành nhiều văn bản, nâng cấp độ ứng phó với dịch Covid-19 một cách linh hoạt, phân công nhiệm vụ cụ thể công việc đối với tập thể, cá nhân cán bộ công chức thuế. Cùng với đó, đơn vị cũng ban hành văn bản chỉ đạo làm việc luân phiên đối với cán bộ công chức, người lao động tại trụ sở cơ quan và tại nhà, đảm bảo phù hợp, hài hòa theo tiêu chí phòng dịch hiệu quả, công việc chuyên môn luôn thông suốt.

Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Phước Nguyễn Xuân Thành, yêu cầu chỉ đạo trong thời điểm giãn cách xã hội là không để bị động, không để cán bộ công chức bị nhắc nhở phê bình vì chậm xử lý công việc, giải quyết công việc bị tồn đọng, kém hiệu quả. Đặc biệt, cán bộ, công chức tuyệt đối chấp hành 5K mọi lúc mọi nơi, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với đối tượng khách hàng, người nộp thuế trong suốt thời gian giãn cách xã hội. Đối với các bộ phận nghiệp vụ, Cục Thuế Bình Phước ưu tiên tăng cường hỗ trợ, khuyến khích người nộp thuế áp dụng mọi thủ tục hồ sơ khai báo thuế, mọi thủ tục gia hạn thuế thông qua phương thức điện tử.

Cục Thuế Cần Thơ: Công khai số điện thoại, tên cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế

Tại Cục Thuế Cần Thơ, ông Cáp Quý Phúc – Cục trưởng cho biết, bên cạnh việc bố trí các dụng cụ kiểm soát, phòng dịch (dung dịch khử khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt...) tại trụ sở cơ quan thuế, đơn vị cũng quán triệt thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K; khai báo y tế hàng ngày thông qua các ứng dụng NCOVI, VHD, Bluezon; bố trí cán bộ làm việc tại nhà thông qua phương tiện ứng dụng công nghệ thông tin, hạn chế làm việc tại cơ quan. Đồng thời, đơn vị tính đến các phương án hoạt động của cơ quan thuế nếu nằm tại vùng bị phong tỏa…

Đơn vị cũng đã tạm dừng các cuộc thanh tra kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế năm 2021. Cùng với đó, cơ quan thuế nâng cấp độ các hình thức hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước như: thông tin đầy đủ, kịp thời các chính sách thuế cho người nộp thuế thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; email của người nộp thuế; website của cục thuế. Cơ quan thuế tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ nội dung các chính sách hỗ trợ bằng nhiều hình thức như: đăng phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Cần Thơ; Báo Cần Thơ; đài phát thanh quận, huyện; website cục thuế; ban hành văn bản gửi trực tiếp qua email của người nộp thuế;... đảm bảo người nộp thuế nắm bắt đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Cùng với đó, đơn vị cũng đề nghị công chức thuế quản lý người nộp thuế theo địa bàn liên hệ trực tiếp với người nộp thuế để thông báo, hướng dẫn về chính sách. Đặc biệt, đơn vị hướng dẫn người nộp thuế nộp giấy đề nghị gia hạn qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, cổng dịch vụ công quốc gia, đường bưu điện và tiếp nhận trực tiếp tại bộ phận 1 cửa của cơ quan thuế vận hành thông suốt 24/7 mọi lúc, mọi nơi; công khai số điện thoại, tên cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế.

Thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch

Các đơn vị trong ngành Tài chính thuộc các tỉnh thành phía Nam đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, đồng thời chủ động các phương án làm việc trong điều kiện phòng, chống dịch. Lãnh đạo các đơn vị đã động viên tinh thần đối với các trường hợp công chức, viên chức, người lao động của đơn vị mình thuộc diện F0, F1, F2… và các trường hợp thuộc khu vực bị phong tỏa. Đồng thời, các đơn vị chủ động xây dựng phương án hoạt động trong trường hợp đơn vị thuộc diện cách ly, phong tỏa đảm bảo công tác quản lý được liên tục.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam