Cơ cấu danh mục nợ công, đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia

10:27 | 23/07/2021 Print
(TBTCVN) - Trong thời gian qua, ngoài việc tăng cường công tác quản lý, huy động, sử dụng vốn vay nước ngoài, công tác vay, trả nợ công cũng được Bộ Tài chính tổ chức thực hiện chặt chẽ, đúng hạn theo cam kết, giữ uy tín của Chính phủ, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Phần lớn vốn vay được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

Phần lớn vốn vay được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Lũy kế 6 tháng năm 2021 không thực hiện rút vốn, trả gốc 8.312 tỷ đồng, trả lãi và phí 1.501 tỷ đồng.

Vay, trả nợ đúng hạn

Đánh giá về tình hình trả nợ của Chính phủ, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, việc thực hiện nghĩa vụ trả các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ nằm trong mức đã được phê duyệt, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết.

Công tác quản lý, huy động và trả nợ công, nợ chính phủ đến nay đạt nhiều kết quả tích cực, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý nợ công theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN).

Việc huy động vốn vay của Chính phủ năm 2021 được thực hiện căn cứ Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2021, Nghị quyết số 129/2020/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 và Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 16/3/2021 của Chính phủ phê duyệt hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh chính phủ năm 2021, Quyết định 856/QĐ-TTg về Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2021 - 2013 và Kế hoạch vay trả nợ công năm 2021.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN) – Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) phát hành là 141.493 tỷ đồng, trong đó 100% TPCP được phát hành theo phương thức đấu thầu và có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.

Cơ cấu nợ chính phủ có chuyển biến khả quan. Huy động vốn vay trong nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Trong cơ cấu nợ chính phủ, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng dư nợ trong nước chiếm khoảng 65,2% và nợ nước ngoài khoảng 34,8% (cơ cấu tương ứng của năm 2020 là 64,8% và 35,2%).

Trong 6 tháng đầu năm 2021, kỳ hạn phát hành TPCP bình quân đạt 12,19 năm, giúp kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân danh mục TPCP lên mức 8,82 năm (tăng 0,4 năm so với thời điểm cuối năm 2020), góp phần tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững. Lãi suất phát hành TPCP bình quân giảm xuống 2,26%/năm so với mức 2,86%/năm của năm 2020, tiết kiệm chi phí vay nợ cho NSNN.

Đối với vay ưu đãi nước ngoài, thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục QLN&TCĐN đã chủ động rà soát, định kỳ công khai đầy đủ và kịp thời các thông tin về khung điều kiện vay, vay ưu đãi của nhà tài trợ, điều kiện cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi, khả năng vay nợ của chính quyền địa phương,... làm cơ sở để các bộ ngành, địa phương, chủ dự án và các doanh nghiệp đề xuất dự án mới.

Cũng theo Cục QLN&TCĐN, trong 6 tháng đầu năm 2021, Chính phủ ký kết được 2 hiệp định vay, với tổng trị giá 98,6 triệu USD. Lũy kế giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài 6 tháng đầu năm là 690 triệu USD (tương đương khoảng 15.941 tỷ đồng), trong đó cấp phát khoảng 451 triệu USD, cho vay lại khoảng 239 triệu USD.

Việc thực hiện nghĩa vụ trả các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ nằm trong mức đã được phê duyệt, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Cụ thể, số trả nợ của Chính phủ trong tháng 6 tháng đầu năm đạt khoảng 209.032 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 180.171 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 28.860 tỷ đồng.

Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ

Đại diện Cục QLN&TCĐN cho biết, việc cấp bảo lãnh chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ của các công trình trọng điểm cấp bách của Nhà nước do việc thu xếp vốn vay nước ngoài và trong nước của các doanh nghiệp thuận lợi hơn nhiều nhờ có bảo lãnh chính phủ.

Theo những quy định mới trong quản lý nợ công, việc hạn chế cấp bảo lãnh chính phủ cho các dự án mới trong những năm gần đây đã góp phần giảm dư nợ được Chính phủ bảo lãnh qua các năm. Chính vì vậy, tiếp tục bám sát chủ trương của Bộ Chính trị là “hạn chế tối đa cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay mới”, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phê duyệt hạn mức bảo lãnh chính phủ năm 2021 tại Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 16/3/2021.

Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ không cấp mới bảo lãnh cho dự án vay vốn nước ngoài. Lũy kế 6 tháng năm 2021 không thực hiện rút vốn, trả gốc 8.312 tỷ đồng, trả lãi và phí 1.501 tỷ đồng. Dư nợ ước khoảng 192.646 tỷ đồng.

Chính phủ cũng không cấp mới bảo lãnh cho dự án vay vốn trong nước. Lũy kế 6 tháng năm 2021, các dự án được bảo lãnh vay trong nước không thực hiện rút vốn, trả gốc 510 tỷ đồng, trả lãi 477 tỷ đồng. Dư nợ bảo lãnh của các dự án vay vốn trong nước ước khoảng 23.923 tỷ đồng.

Giảm tỷ trọng nợ nước ngoài để giảm thiểu rủi ro tỷ giá


Chính phủ đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu danh mục nợ công để đảm bảo an toàn nợ và an ninh tài chính quốc gia. Giảm dần tỷ trọng nợ nước ngoài để giảm thiểu rủi ro tỷ giá; tập trung huy động vốn trong nước với lãi suất hợp lý; phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn; thúc đẩy phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ trong nước thông qua đa dạng hóa các sản phẩm và mở rộng cơ sở nhà đầu tư dài hạn…

Khánh Huyền

Khánh Huyền

© Thời báo Tài chính Việt Nam