Quản lý ngân quỹ nhà nước chủ động theo nguyên tắc thị trường

18:30 | 22/07/2021 Print
Với mục tiêu quản lý ngân quỹ nhà nước chủ động theo nguyên tắc thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa quản lý ngân quỹ với quản lý ngân sách và quản lý nợ, Kho bạc Nhà nước đang đưa ra một số giải pháp cho công tác này trong thời gian tới đây.

Ngân quỹ Nhà nước

Tới đây nguồn NQNN tiếp tục được quản lý theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ảnh minh họa: H.T (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Phát triển các công cụ quản lý ngân quỹ an toàn, hiệu quả

Ông Lưu Hoàng- Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ- Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, thời gian qua, KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan trình cấp có thẩm quyền bổ sung quy định về quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN) tại Luật NSNN năm 2015. Trên cơ sở đó, KBNN đã xây dựng và trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 5/5/2016 quy định chế độ quản lý NQNN và các thông tư hướng dẫn.

Tại các thông tư hướng dẫn, KBNN cũng thường xuyên rà soát và hoàn thiện theo hướng công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn từng giai đoạn như: các quy định về việc tập trung toàn bộ số dư NQNN về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào cuối ngày, quy định về việc gửi tiền có kỳ hạn tại Ngân hàng thương mại (NHTM) có mức độ an toàn cao theo phương thức đấu thầu cạnh tranh lãi suất,…

Đồng thời, KBNN đã hoàn thành xây dựng tài khoản thanh toán tập trung của KBNN tại NHNN (từ tháng 11/2019), tập trung toàn bộ số dư NQNN từ địa phương về trung ương và gửi tại NHNN. Hiện nay không còn số dư tiền gửi không kỳ hạn ở các NHTM vào cuối ngày làm việc. Đây chính là cơ sở cho việc điều hành NQNN tập trung, thống nhất và đáp ứng kịp thời, đầy đủ mọi nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị mở tài khoản tại KBNN, tạo thuận lợi cho NHNN trong việc thực hiện chính sách tiền tệ và nâng cao dự trữ ngoại hối nhà nước.

Bên cạnh đó, KBNN đã phát triển các công cụ để quản lý NQNN an toàn, hiệu quả (như dự báo luồng tiền, xây dựng phương án điều hành NQNN và từng bước hoàn thiện khung quản lý rủi ro). Thực hiện sử dụng hiệu quả nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi theo các thứ tự ưu tiên: Cho NSNN vay, tạm ứng để bù đắp bội chi và hỗ trợ NSNN khi nguồn thu chưa tập trung kịp; gửi có kỳ hạn tại các NHTM có mức độ an toàn cao theo nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh lãi suất và mua lại có kỳ hạn TPCP (từ tháng 7/2021). Thông qua các nghiệp vụ quản lý NQNN, từ năm 2019 đến nay, KBNN đã đóng góp 8.000 tỷ đồng vào ngân sách trung ương.

Đặc biệt, KBNN đã gắn kết chặt chẽ giữa quản lý NQNN với huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và triển khai cải cách quản lý NQNN theo hướng an toàn, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế. Từ đó, NQNN đã được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực tài chính của Nhà nước.

Hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung

Theo ông Lưu Hoàng, mặc dù việc quản lý NQNN đã đạt được nhiều kết quả tốt, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn tồn tại một số khó khăn nhất định.

Cụ thể là khuôn khổ pháp lý liên quan đến công tác quản lý NQNN quy định tại một số luật (Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công, Luật NHNN, Pháp lệnh Quản lý ngoại hối) và các nghị định, thông tư hướng dẫn còn chưa đồng bộ. Hiện một số quy định đã không còn phù hợp, cần tiếp tục hoàn thiện hoặc quy định ở văn bản pháp lý cao hơn để quản lý NQNN an toàn, minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn. Trong đó, cần tập trung vào các quy định liên quan đến sử dụng NQNN cho ngân sách trung ương vay; đấu thầu NQNN có kỳ hạn tại NHTM; quan hệ mua bán ngoại tệ của NQNN và dự trữ ngoại hối nhà nước và các NHTM…

Ngoài ra, hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của KBNN tuy đã đảm bảo tập trung toàn bộ NQNN về NHNN, song vẫn còn nhiều tài khoản trung gian (tài khoản của các đơn vị KBNN cấp tỉnh, cấp huyện), đòi hỏi quy trình xử lý thanh toán, đối chiếu, quyết toán… phức tạp, cần phải được hoàn thiện cho phù hợp với các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong giai đoạn tới.

Với mục tiêu quản lý NQNN chủ động theo nguyên tắc thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực tài chính nhà nước. Gắn kết chặt chẽ giữa quản lý NQNN với quản lý NSNN và quản lý nợ, đảm bảo thanh khoản của Chính phủ tại mọi thời điểm và hiệu quả về chi phí vay của NSNN, nâng cao dư địa tài khóa, tăng cường tính an toàn, bền vững của hệ thống quản lý tài chính công, KBNN đã đưa ra giải pháp cho việc quản lý NQNN trong thời gian tới đây.

Theo đó, KBNN sẽ rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý NQNN tại các luật, nghị định và thông tư hướng dẫn theo hướng tiệm cận với thông lệ quản lý NQNN tại các nước phát triển và phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam, đảm bảo quản lý NQNN tập trung, an toàn, minh bạch, hiệu quả.

Đồng thời, KBNN tiếp tục hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung của KBNN theo hướng xóa bỏ các tài khoản trung gian, đảm bảo nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất một tài khoản và cuối ngày toàn bộ số dư NQNN được tập trung về tài khoản của KBNN tại NHNN.

Ngoài ra, KBNN sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm dần số dư NQNN cho ngân sách trung ương vay ở mức phù hợp để vừa đảm bảo hiệu quả quản lý ngân sách trung ương, vừa an toàn thanh khoản của NQNN. Đặc biệt là tạo dư địa để cân đối ngân sách trung ương và hỗ trợ bình ổn mặt bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ khi thị trường biến động mạnh.

KBNN đã gắn chặt việc quản lý NQNN với việc huy động vốn

Trong giai đoạn 2015 – 2020, tồn NQNN tại KBNN cao do một số nguồn chưa thực hiện chi trong năm ngân sách (nguồn cải cách tiền lương, chuyển nguồn chưa chi của ngân sách các cấp hàng năm, nguồn tăng thu của các địa phương chưa được phân bổ…). Trước tình hình đó, KBNN đã báo cáo Bộ Tài chính giảm nhiệm vụ phát hành trái phiếu Chính phủ và sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách trung ương vay khi thị trường gặp khó khăn. Cụ thể, năm 2018, 2019, KBNN đã sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi cho ngân sách trung ương vay lần lượt là 45.500 tỷ đồng và 50.000 tỷ đồng; đồng thời, điều chỉnh giảm kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2018, 2019 lần lượt là 55.000 tỷ đồng và 57.600 tỷ đồng. Theo đó, số sử dụng NQNN để cho ngân sách trung ương vay đã tăng dần từ 157.162 tỷ đồng vào năm 2015 lên 198.865 tỷ đồng vào tháng 6/2021, tương đương 33,3% tồn NQNN, gần chạm ngưỡng tối đa để đảm bảo an toàn thanh khoản cho KBNN, giúp ngân sách trung ương giảm được khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ và giảm được chi trả lãi vay hàng ngàn tỷ đồng.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam