Chính sách và nguồn lực dự trữ quốc gia đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch

10:13 | 21/07/2021 Print
(TBTCVN) - Trong hơn một năm qua, ngành Dự trữ Nhà nước đã tham mưu, triển khai nhiều giải pháp từ hoàn thiện chính sách pháp luật đến điều hành sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phòng, chống đại dịch Covid-19.

8

Phóng viên TBTCVN có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Dự trữ nhà nước, xung quanh nội dung này.

PV: Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã kịp thời tham mưu điều chỉnh, bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia (DTQG). Ông có thể cho biết cụ thể hơn về nội dung này?

Ông Nguyễn Văn Bình: Kể từ tháng 3/2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ngành DTNN đã chủ động rà soát quy định về Danh mục hàng DTQG trong lĩnh vực y tế quy định tại Luật DTQG và Nghị định số 94/2013/NĐ-CP. Theo đó pháp luật DTQG chỉ quy định có 2 nhóm hàng y tế gồm: thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người và hóa chất khử khuẩn, khử trùng xử lý nguồn nước (chưa có vật tư, thiết bị y tế).

pv8

Ông Nguyễn Văn Bình

Việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng DTQG để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh nói chung và phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng là hết sức cần thiết, phù hợp với mục tiêu của DTQG, phù hợp với tiêu chí mặt hàng DTQG theo quy định tại Điều 27 Luật DTQG và làm cho pháp luật về DTQG đồng bộ với pháp luật về phòng, chống bệnh dịch truyền nhiễm.

Chính vì vậy, trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế, Tổng cục DTNN đã tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 ngày 9/10/2020 về bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng DTQG.

Ngay sau khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành, Tổng cục DTNN tiếp tục tham mưu cho Bộ Tài chính để trình Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2021/NĐ-CP ngày 31/5/2021 quy định chi tiết chi tiết Nghị quyết số 1024.

Theo đó, Nghị định 56 quy định 12 mặt hàng vật tư, thiết bị y tế DTQG, bao gồm: máy X-quang; máy thở; máy phá rung tim; máy theo dõi bệnh nhân; máy siêu âm; máy hút dịch; máy phun hóa chất; máy phát hiện nhanh các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ; bơm tiêm điện; bộ dụng cụ phẫu thuật; vật tư phòng hộ cá nhân và túi đựng tử thi.

Cũng theo nghị định, Chính phủ giao Bộ Y tế quản lý các mặt hàng vật tư, thiết bị y tế DTQG; đồng thời giao bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành.

Như vậy, khung khổ pháp luật DTQG về y tế đã cơ bản hoàn thiện đầy đủ và đồng bộ. Đây là cơ sở pháp lý cần thiết để xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch DTQG hàng năm và tổ chức mua sắm đưa vào dự trữ nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn ra, đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc, cứu chữa người bệnh trong các tình huống đột xuất, cấp bách về y tế xảy ra trong tương lai.

PV: Chính sách pháp luật về DTQG được ban hành khá đầy đủ, nhưng việc triển khai để góp phần phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bình: Qua thực tế phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua cho thấy, Bộ Y tế đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, tham mưu kịp thời cho Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp hàng DTQG để phòng chống dịch Covid-19.

Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục DTNN và các cơ quan quản lý hàng DTQG đã tham mưu kịp thời cho Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp không thu tiền 15 tấn Chloramin B từ nguồn DTQG cho các tỉnh Bắc Giang (5 tấn), Bắc Ninh (3 tấn) và Bộ Y tế (7 tấn) để các lực lượng chức năng tổ chức phun khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp một số thiết bị tiêu tẩy cơ động cho lực lượng quân đội để làm nhiệm vụ tiêu tẩy các khu vực có dịch Covid-19.

Tổng cục DTNN đã hoàn thành 100% kế hoạch mua gạo DTQG năm 2021, chủ động sẵn sàng về nguồn lương thực để xuất cấp hỗ trợ bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ quan được giao trực tiếp quản lý vật tư, thiết bị y tế DTQG (Bộ Y tế) cần khẩn trương chủ trì đề xuất kế hoạch mua vật tư, thiết bị y tế đưa vào DTQG. Trường hợp cần thiết, có thể trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung kế hoạch DTQG năm 2021 về vật tư, thiết bị y tế.

Việc ưu tiên mua mặt hàng nào trong danh mục vật tư, thiết bị y tế DTQG và số lượng cụ thể bao nhiêu tùy thuộc vào yêu cầu thực tiễn, dự báo tình hình và khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Việc bảo quản các mặt hàng vật tư, thiết bị DTQG bảo đảm không làm phát sinh thêm về tổ chức, biên chế của Bộ Y tế. Bộ Y tế có thể lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện để ký hợp đồng thuê bảo quản theo quy định tại Thông tư số 172/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về thuê bảo quản hàng DTQG.

PV: Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn, có cần tăng thêm DTQG về hóa chất khử khuẩn, khử trùng, vật tư, thiết bị y tế và lương thực không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bình: Hiện nay, nguồn lực DTQG phục vụ phòng chống dịch bệnh chỉ có 2 mặt hàng là hóa chất khử khuẩn Chloramin B và viên khử khuẩn Aquatabs, nhưng lượng tồn kho DTQG còn mỏng. Trước nhu cầu cấp thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, bên cạnh triển khai mua vật tư, thiết bị y tế DTQG như vừa nêu, cần sớm triển khai thủ tục mua tăng thêm thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người và hóa chất khử khuẩn, khử trùng đưa vào DTQG để chủ động, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trước diễn biến khó lường trên diện rộng của dịch Covid-19.

Các địa phương cần tổng hợp nhu cầu hỗ trợ về hóa chất khử khuẩn Chloramin B, vật tư, thiết bị y tế và lương thực dự trữ quốc gia gửi về Bộ Y tế, Bộ Tài chính để tổng hợp, tham mưu kịp thời cho Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19.

PV: Xin cảm ơn ông!

“Các địa phương cần tổng hợp nhu cầu hỗ trợ về hóa chất khử khuẩn Chloramin B, vật tư, thiết bị y tế và lương thực dự trữ quốc gia gửi về Bộ Y tế, Bộ Tài chính để tổng hợp, tham mưu kịp thời cho Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19”. - Ông Nguyễn Văn Bình

Đức Minh (thực hiện)

Đức Minh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam