Thêm “lực đẩy” cho đơn vị giáo dục, y tế tự chủ tài chính

10:13 | 21/07/2021 Print
(TBTCVN) - Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập và một số bệnh viện. Tuy vậy, số lượng các đơn vị tự chủ về tài chính trong 2 lĩnh vực này còn rất ít.

Bệnh viện K - một trong 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế

Bệnh viện K - một trong 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế được thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về chi thường xuyên và chi đầu tư theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ.

Để thúc đẩy thực hiện cơ chế tự chủ, nhiều quy định mới đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện nhiều hơn cho các đơn vị giáo dục – đào tạo và y tế.

Tách bạch nguồn thu

Hiện nay, việc tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) nói chung đang được triển khai theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL. Trong đó quy định nguồn tài chính của đơn vị SNCL theo hướng tổng hợp chung tất cả các nguồn lực, chưa có sự tách bạch rõ nguồn thu từ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và các hoạt động kinh doanh dịch vụ. Đây là một trong những điều “lấn cấn” khiến các đơn vị SNCL chưa thực hiện.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL để thay thế các nghị định liên quan đến nội dung này.

Theo ông Nguyễn Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, (Bộ Tài chính), Nghị định số 60 đã tách rõ nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) và nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp. Trong đó, thu từ hoạt động sự nghiệp bao gồm: thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; thu từ hoạt động liên doanh, liên kết; thu từ cho thuê tài sản công. Ngoài những quy định áp dụng chung, nghị định dành 1 chương riêng về tự chủ về tài chính của đơn vị SNCL trong lĩnh vực y tế - dân số; giáo dục và đào tạo; giáo dục nghề nghiệp để điều chỉnh những nội dung mang tính đặc thù của các lĩnh vực này.

Đối với lĩnh vực y tế, Nghị định số 60 quy định đơn vị được tự chủ trong việc thuê các đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật y tế để đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong trường hợp không có đủ trang thiết bị để thực hiện các dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; được quyết định mức chi phẫu thuật, thủ thuật theo khả năng tài chính của đơn vị; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tùy theo khả năng nguồn tài chính được trích lập quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh để hỗ trợ cho đối tượng chính sách thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hoặc gia đình có khó khăn về kinh tế. Đặc biệt, nghị định đã quy định cụ thể phân bổ, giao dự toán đối với đơn vị được giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, dân số, an toàn thực phẩm thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN và phân loại mức độ tự chủ tài chính của trung tâm y tế đa chức năng.

Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nghị định quy định cụ thể nguồn tài chính có tính chất đặc thù của lĩnh vực như kinh phí thực hiện chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập và chính sách hỗ trợ khác cho học sinh, sinh viên; thu học phí theo quy định của pháp luật, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, nghị định cho phép đơn vị căn cứ khả năng nguồn tài chính được thực hiện trích lập quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên.

Hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ

Không chỉ mở “đầu vào” mà “đầu ra” là việc tính đủ chi phí vào giá dịch vụ công cũng đã có phương án khắc phục. Ông Nguyễn Trường Giang cho biết, Nghị định số 60 đã quy định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN đến năm 2021 phải cơ bản hoàn thành, tức là tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá. Tuy nhiên, nghị định cũng cho phép trường hợp do khó khăn khách quan cần xây dựng lộ trình khác thì các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.

Riêng đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; giá dịch vụ giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập, trường hợp không thực hiện được lộ trình thì các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.

Đối với dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN, đơn vị SNCL được quyết định giá dịch vụ bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý; trường hợp dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì thực hiện theo mức giá cụ thể, khung giá do cơ quan có thẩm quyền quy định. Trường hợp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN có chênh lệch thu nhỏ hơn chi, đơn vị SNCL phải tính toán bù đắp khoản thiếu hụt bằng các nguồn kinh phí hợp pháp của đơn vị, NSNN không cấp bù.

Đơn vị sự nghiệp tự chủ vẫn còn quá ít

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện nay mới chỉ có 23 trường đại học trên tổng số 41.801 đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) lĩnh vực giáo dục - đào tạo (chiếm 0,055%) được giao là đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017.

Tương tự, có 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế trên tổng số 6.160 đơn vị SNCL lĩnh vực y tế toàn quốc (chiếm 0,065%), gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K được thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về chi thường xuyên và chi đầu tư theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ.

Hồng Vân

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam