Căn cứ thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành vốn nhà nước

14:32 | 19/07/2021 Print
Khi thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành, cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán căn cứ vào quy định tại Điều 14 Thông tư số 10/2020/TT-BTC và các văn bản có liên quan để thực hiện.

Theo phản ánh của ông Trần Đại Thắng (TP. Hồ Chí Minh), khi quyết toán dự án hoàn thành, cơ quan thẩm tra quyết toán căn cứ Mẫu số 04/QDTA ban hành kèm theo Thông tư 10/2020/TT-BTC ngày 20/2/2020 của Bộ Tài chính để thực hiện.

Theo đó, cơ quan thẩm tra so sánh cơ cấu vốn trong tổng mức đầu tư làm căn cứ quyết toán. Trong quá trình đấu thầu và đã được trúng thầu cơ cấu vốn có thay đổi nhưng vẫn bảo đảm giá gói thầu nhỏ hơn giá gói thầu được phê duyệt.

Ông Thắng hỏi, nếu chi phí xây dựng quyết toán lớn hơn chi phí xây dựng được phê duyệt (hoặc điều chỉnh) thì trong khi quyết toán có bị cắt giảm phần chi phí này không? Khi quyết toán theo Mẫu 04/QDTA có cần so sánh giữa chi phí đề nghị quyết toán và chi phí xây dựng được phê duyệt không?

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Tại Điều 14 Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/2/2020 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn Nhà nước, quy định về thẩm tra chi phí đầu tư như sau:

“Căn cứ tổng mức đầu tư được duyệt và báo cáo theo Mẫu số 04/QTDA, cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán thực hiện thẩm tra theo cơ cấu chi phí ghi trong tổng mức đầu tư: Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác.

1. Nguyên tắc thẩm tra:

a) Thẩm tra tính tuân thủ các quy định về hợp đồng xây dựng và quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của cấp có thẩm quyền; hình thức giá hợp đồng ghi trong từng hợp đồng xây dựng (không phân biệt hình thức lựa chọn nhà thầu) là căn cứ để thẩm tra. Kiểm tra việc tổng hợp số liệu các thành phần chi phí và các khoản mục do chủ đầu tư lập trong báo cáo quyết toán. Trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán kiểm tra hồ sơ hoàn công để xác định khối lượng công việc hoàn thành được nghiệm thu theo quy định.

b) Trường hợp chi phí xây dựng công trình tạm, công trình phụ trợ phục vụ thi công, chi phí xây dựng nhà tạm để ở và điều hành thi công tại hiện trường được lập thiết kế, dự toán riêng cho hạng mục: Thẩm tra như thẩm tra gói thầu xây dựng độc lập.

c) Trường hợp chi phí xây dựng công trình tạm, công trình phụ trợ phục vụ thi công, chi phí xây dựng nhà tạm để ở và điều hành thi công tại hiện trường được tính theo tỷ lệ (%) trong gói thầu xây dựng chính (không lập thiết kế, dự toán riêng): Thẩm tra việc áp dụng tỷ lệ (%) trên cơ sở kết quả thẩm tra gói thầu xây dựng chính.

d) Trường hợp chi phí xây dựng công trình tạm, công trình phụ trợ phục vụ thi công, chi phí xây dựng nhà tạm để ở và điều hành thi công tại hiện trường được tính trọn gói: Thẩm tra như thẩm tra gói thầu xây dựng theo hình thức hợp đồng trọn gói”.

Đối với các gói thầu xây dựng, cơ quan thẩm tra chi phí xây dựng thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Thông tư số 10/2020/TT-BTC.

Do vậy, khi thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành, cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán căn cứ vào quy định nêu trên và các văn bản có liên quan để thực hiện.

Bộ Tài chính có ý kiến trả lời để ông Thắng biết và thực hiện theo đúng quy định.

Theo Chinhphu.vn

Theo Chinhphu.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam