Lãi suất được điều hành phù hợp với diễn biến của thị trường

10:24 | 19/07/2021 Print
(TBTCVN) - Định hướng cho công tác phát hành trái phiếu chính phủ thời gian tới, Kho bạc Nhà nước đang đưa ra giải pháp điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến của thị trường.

9

Công trình cầu và đường dẫn Cầu Bình Ca (Tuyên Quang) bắc qua sông Lô được đầu tư với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm và kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ Bộ Tài chính giao, Kho bạc Nhà nước đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát hành trái phiếu theo đúng quy định, đảm bảo vừa huy động đủ nhu cầu vốn cho ngân sách nhà nước, vừa tái cơ cấu danh mục trái phiếu theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm lãi suất phát hành nhằm đảm bảo tính an toàn, bền vững, phát triển đa dạng cơ sở nhà đầu tư, giảm dần sự lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại. Định hướng cho công tác phát hành trái phiếu chính phủ thời gian tới, Kho bạc Nhà nước đang đưa ra giải pháp điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến của thị trường.

Linh hoạt trong việc phát hành

Ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ - Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt là kể từ khi Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 được ban hành, công tác huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) đã có nhiều cải cách, đổi mới, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo các chủ trương của Đảng và Nhà nước.

b9

Theo đó, KBNN đã tổ chức phát hành TPCP tại thị trường trong nước, huy động được khối lượng vốn lớn, đáp ứng nhu cầu theo dự toán vay của ngân sách trung ương (NSTW) của Quốc hội và kế hoạch vay trả nợ công hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đủ nguồn trả nợ gốc trong và ngoài nước của NSTW đúng hạn, kịp thời và đáp ứng nhu cầu vốn bù đắp bội chi NSTW.

Tổng khối lượng phát hành TPCP giai đoạn 2015 – 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 là 1.743.751 tỷ đồng (trong đó, 6 tháng đầu năm là 141.493 tỷ đồng). Trung bình mỗi năm là 267.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao (trên 80%) trong tổng mức vay hàng năm của NSTW. Từ kết quả này, việc phát hành TPCP trong nước đã trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của NSNN, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài và góp phần giảm thiểu rủi ro nợ công.

Đặc biệt, trong quá trình tổ chức phát hành TPCP, KBNN đã duy trì việc phát hành thường xuyên, liên tục và chủ động điều chỉnh khối lượng phát hành phù hợp với tiến độ trả nợ gốc và giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, KBNN đã chủ động sử dụng tồn ngân quỹ nhà nước (NQNN) cho NSNN vay phù hợp với tình hình thị trường và khả năng NQNN nhàn rỗi để vừa đảm bảo đủ nguồn đáp ứng nhu cầu cân đối NSNN, nâng cao hiệu quả vay nợ, vừa bình ổn và phát triển thị trường TPCP. “Riêng 6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, KBNN đã điều hành giảm khối lượng phát hành TPCP, chủ yếu đảm bảo đáp ứng nhu cầu trả nợ gốc đến hạn của NSTW để nâng cao hiệu quả phát hành TPCP và quản lý NSNN” - ông Hoàng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, KBNN đã tập trung phát hành TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên để gắn công tác phát hành TPCP với tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ theo chủ trương của Bộ Chính trị và Quốc hội. Đồng thời, KBNN triển khai nghiệp vụ hoán đổi TPCP, từ đó, kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân danh mục nợ TPCP, giãn áp lực trả nợ, cắt đỉnh nợ cho NSNN.

Lãi suất phát hành bình quân TPCP giảm từ mức 6,36%/năm vào năm 2015 xuống mức 2,86%/năm vào năm 2020 và còn 2,26%/năm vào cuối tháng 6/2021, thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2011 – 2015 (năm 2011, lãi suất phát hành bình quân TPCP là 12%/năm), giúp giảm chi phí trả lãi của NSNN hàng năm khoảng 12.000 tỷ đồng so với mức lãi suất phát hành bình quân của năm 2015 và khoảng 31.000 tỷ đồng so với mức lãi suất phát hành bình quân của năm 2011. Đến nay, lãi suất phát hành TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam thấp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, thấp hơn lãi suất TPCP cùng kỳ hạn của các nước có hệ số tín nhiệm tương đương trong khu vực như: Indonesia, Philippines và Ấn Độ.

Tập trung phát hành TPCP qua hình thức đấu thầu

Việc huy động vốn thông qua phát hành TPCP đã mang lại nhiều kết quả tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo báo cáo của KBNN, công tác này vẫn còn một số tồn tại cần phải được khắc phục.

Cụ thể, quy mô thị trường TPCP của nước ta vẫn còn nhỏ (tổng dư nợ TPCP cuối năm 2020 khoảng 1,78 triệu tỷ đồng, tương đương 28,6% GDP năm 2020), mức độ phát triển chưa cao tính cả về số lượng và mức độ chuyên nghiệp của nhà đầu tư, nên dễ bị ảnh hưởng từ những diễn biến trên thị trường tiền tệ trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tỷ trọng nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại (NHTM) có giảm, nhưng NHTM vẫn là các nhà đầu tư giao dịch chủ yếu trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Do đó, phản ứng của NHTM trước các biến động ngắn hạn của thị trường cũng tác động mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn, dẫn đến việc có thể không huy động được đủ khối lượng theo nhu cầu hoặc phải huy động với chi phí cao.

Ngoài ra, thường có độ vênh về thời điểm thuận lợi cho việc huy động vốn từ thị trường và thời điểm phát sinh nhu cầu vốn giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản. Đơn cử như đầu năm, thanh khoản thị trường dồi dào, có khả năng huy động vốn dài hạn với chi phí thấp, thì ngân sách chưa giải ngân được nhiều. Vào quý IV khi nhu cầu vốn cho giải ngân tăng cao, thanh khoản của thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư lại xuống thấp, mặt bằng lãi suất gia tăng dẫn đến việc huy động vốn gặp khó khăn.

Nhu cầu vốn cho chi đầu tư phát triển và trả nợ gốc đến hạn trong giai đoạn 2021 - 2025 rất lớn, dự kiến 3.068 nghìn tỷ đồng (bình quân mỗi năm là 613,6 nghìn tỷ đồng); trong đó, chủ yếu là vay trong nước thông qua phát hành TPCP (dự kiến tổng khối lượng vay trong nước của Chính phủ giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 2.500 nghìn tỷ đồng); cầu gia tăng trong khi cung trên thị trường hạn chế, gây sức ép lên lãi suất huy động vốn phát hành TPCP.

Do đó, để đạt mục tiêu huy động vốn qua phát hành TPCP hiệu quả với chi phí phù hợp, góp phần quản lý nợ công an toàn, bền vững, KBNN đang đưa ra định hướng cho việc phát hành TPCP thời gian tới.

Theo đó, KBNN sẽ thực hiện phát hành và quản lý danh mục TPCP chủ động, hiệu quả, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của NSNN với cơ cấu, kỳ hạn theo các mục tiêu của chiến lược, chương trình, kế hoạch quản lý nợ công trung, dài hạn và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm.

Đặc biệt, ông Hoàng cho biết, tới đây, KBNN sẽ thực hiện điều hành lãi suất phát hành TPCP phù hợp với diễn biến của thị trường. Tập trung phát hành TPCP theo phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội để tăng cường hiệu quả và công khai, minh bạch; chỉ thực hiện phương thức phát hành riêng lẻ hoặc bảo lãnh trong trường hợp đặc biệt. Đồng thời, KBNN sẽ đa dạng các sản phẩm TPCP đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư; hình thành các mã TPCP chuẩn với quy mô đủ lớn để thúc đẩy thanh khoản của thị trường TPCP, tăng khả năng huy động vốn cho NSNN và hình thành đường cong lãi suất chuẩn, hỗ trợ phát triển thị trường vốn. Củng cố cơ sở nhà đầu tư theo hướng tiếp tục cải thiện tỷ trọng đầu tư TPCP của các nhà đầu tư dài hạn.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam