Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Không ngừng sáng tạo, đột phá, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép

13:39 | 16/07/2021 Print
Phát biểu tại hội nghị sơ kết ngành Tài chính sáng 16/7, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh khó khăn, toàn ngành Tài chính phải không ngừng sáng tạo, đột phá trong triển khai nhiệm vụ, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa tăng cường chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.

bộ trưởng

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Ngành Tài chính tập trung xây dựng thể chế mở đường cho sự phát triển và giải phóng nguồn lực. Ảnh: Đức Minh.

Nỗ lực vượt lên thách thức, nhiều khoản thu đạt cao

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái để lãnh đạo, chỉ đạo quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành Tài chính với thành công cao nhất, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Theo Bộ trưởng: “Nửa năm đã khép lại, chúng ta đã và đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn của đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay và đặc biệt là 6 tháng đầu năm giá dầu tăng cao, nguyên liệu đầu vào tăng, đã tạo sức ép, ngành Tài chính phải nỗ lực rất lớn để vượt qua”.

Điểm lại kết quả tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng cho rằng, năm 2020 tăng trưởng kinh tế đạt mức 2,91%, 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng đạt 5,64%, nhờ đó đã tác động tích cực đến số thu ngân sách. Trong đó, các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhắc đến “những thách thức lớn lao” mà ngành Tài chính phải đối mặt khi dịch bệnh tác động nặng nề tới kinh tế - xã hội. Theo Bộ trưởng, thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ tháng 1 đến tháng 4 vẫn đảm bảo tăng thu; tuy nhiên từ ngày 28/4, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư khiến thu NSNN có dấu hiệu giảm xuống. Theo đó, tháng 5/2021, thu NSNN giảm khoảng 40 nghìn tỷ đồng, tháng 6/2021 thu ngân sách giảm 14 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Dự báo trong tháng 7 và thời gian tới, nguồn thu ngân sách sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh đó, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền và trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều giải pháp về thuế, giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí và lệ phí cho người dân và doanh nghiệp.

toàn cảnh
Điểm cầu tại trụ sở Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh

Từ nay đến cuối năm, thu NSNN khó khăn sẽ tác động tới chi tiêu chi ngân sách và chúng ta phải thực hiện chủ động, linh hoạt chính sách tài khóa, cắt giảm các khoản chi thường xuyên khác, chi công tác phí, chi hội nghị, hội thảo… Do đó, ngành Tài chính phải hết sức chủ động, sáng tạo trong tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước để thực hiện mục tiêu kép vừa tăng cường chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.

Nhìn lại kết quả trong 6 tháng đầu năm, người đứng đầu ngành Tài chính đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành, sự phối hợp hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách. Nhờ có nỗ lực đó, thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt cao nhất với 59,3% dự toán, tăng 39,6% so với cùng kỳ; đứng thứ hai là thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 57,7% dự toán, tăng 19,9%. Có 54/63 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Để tiếp tục đạt những kết quả khả quan trong thời gian tới, theo Bộ trưởng, toàn ngành phải tập trung tăng thu, tiết kiệm chi, điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, đảm bảo có hiệu quả, tiết kiệm nguồn tăng chi cho chống dịch và cho xây dựng cơ bản.

Xây dựng thể chế “mở đường cho sự phát triển và giải phóng nguồn lực”

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Bộ Tài chính không chỉ là bộ quản lý về ngân sách, nợ công, mà phải là bộ chính sách. Chính sách tài chính phải được ban hành để cho tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư phát triển mạnh, thì mới thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, tạo nên tích lũy, ngân sách phát triển bền vững ổn định, giảm nợ công…

Người đứng đầu ngành Tài chính đặc biệt nhấn mạnh đến 5 trụ cột mà Bộ Tài chính tập trung trong điều hành, để thúc đẩy quá trình phát triển, đó là: thể chế điều hành chính sách tài khóa; quản lý nợ công; quản lý thị trường tài chính gồm: thị trường chứng khoán, bảo hiểm; dự trữ quốc gia; thực hành tiết kiệm chống lãng phí, giữ nghiêm kỷ luật tài chính.

Nhắc đến công tác xây dựng thể chế, Bộ trưởng cho biết, 6 tháng đầu năm, ngành Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 16 nghị định, xem xét ban hành 6 dự thảo nghị định và 9 đề án khác; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 quyết định; ban hành theo thẩm quyền 50 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - NSNN, miễn, giảm phí, lệ phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có rất nhiều văn bản được Bộ trưởng ví là “mở đường cho sự phát triển và giải phóng nguồn lực”.

Điểm lại một số lĩnh vực thuộc Bộ Tài chính, Bộ trưởng cho biết, công tác quản lý nợ công ngày càng tiết kiệm, hiệu quả với lãi suất vay thấp, kỳ hạn dài; thị trường chứng khoán, bảo hiểm phát triển ổn định.

Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), theo Bộ trưởng, 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã rà soát, bãi bỏ 197 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung 13 thủ tục và ban hành mới 114 thủ tục trong các lĩnh vực hải quan, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý công sản; thực hiện công khai, cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo quy định, đạt 895/895 thủ tục, đạt 100% kế hoạch; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung 320 chế độ báo cáo định kỳ... Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị trí thứ 2/17 bộ, cơ quan ngang bộ về xếp hạng chỉ số cải cách hành chính.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính cũng tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị, giảm được 15 đầu mối cấp chi cục và tương đương, đã thực hiện cắt giảm 4.343 đầu mối đơn vị hành chính. Ngoài ra, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã sáp nhập, giải thể, giảm 9 đơn vị. Thời gian tới, ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thu gọn đầu mối quản lý.

Người đứng đầu ngành Tài chính cũng biểu dương ngành Hải quan đã làm rất tốt nhiệm vụ quản lý ngành, tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại.

“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn khó khăn này, chúng ta vừa tập trung thu vừa sáng tạo, đột phá có giải pháp phù hợp để đất nước phát triển. Chúng tôi cố gắng nỗ lực và mong các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng sát cánh, phối hợp với chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ” - người đứng đầu ngành Tài chính nhấn mạnh./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam