Phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước tối thiểu 3 - 5% dự toán

13:36 | 16/07/2021 Print
Tới dự và phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2021 của ngành Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo các cấp ở địa phương phải vào cuộc cùng ngành Tài chính thực hiện các giải pháp, phấn đấu tăng thu tối thiểu 3 - 5% so với dự toán Quốc hội giao.

lê minh khái

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Đức Minh.

Tích cực, chủ động, kịp thời

Nhìn lại nửa đầu năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thống nhất với những đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2021 của ngành Tài chính, với 10 nhóm kết quả cùng những tồn tại, nguyên nhân; 3 bài học kinh nghiệm.

Có thể điểm một số nét nổi bật như: Thu NSNN đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Chi NSNN đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cân đối NSNN đảm bảo; nợ công được kiểm soát; giữ được kỷ cương kỷ luật tài chính.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, các đề án trong lĩnh vực tài chính – NSNN được triển khai tích cực nhằm thể chế hóa mục tiêu của Đảng, cụ thể hóa nghị quyết của Quốc hội và định hướng của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh...

Đặc biệt có 2 nghị định rất quan trọng quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và quy định sắp xếp các cơ sở nhà đất công đã được hoàn thành. Đây là 2 nội dung quan trọng, làm tiền đề đổi mới quản lý NSNN trong thời gian mới.

Bộ Tài chính cũng đã kịp thời đề xuất những chính sách tài khóa, chủ động, tích cực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), người dân để ứng phó với đại dịch Covid-19.

6 tháng đầu năm, đã có trên 52 nghìn doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, với tổng số tiền được gia hạn gần 28 nghìn tỷ đồng, qua đó giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Ngành Tài chính đã tích cực tham mưu nhiều giải pháp, trong đó có việc huy động các nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19, đẩy nhanh tiến độ mua vắc-xin tiêm chủng trên diện rộng cho người dân, sớm tạo miễn dịch cộng đồng.

Tổng nguồn lực dành được đến nay khoảng 25 nghìn tỷ đồng, trong đó từ ngân sách trung ương khoảng 14,5 nghìn tỷ đồng, huy động của Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 trên 8 nghìn tỷ đồng.

Một số địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động đóng góp 2 nghìn tỷ đồng. Cuối tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sử dụng gần 7,7 nghìn tỷ đồng để mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19.

Bộ Tài chính cũng rất tích cực trong việc hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn về các thủ tục mua sắm vật tư, sinh phẩm cho Bộ Y tế phòng, chống dịch.

“Sự chủ động đó của ngành Tài chính đã góp phần tạo niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự điều hành của Chính phủ.” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

ngành tài chính
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh.

Sát sao thực hiện các giải pháp về tài chính ngân sách

Về triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng tình với 10 nhóm giải pháp mà ngành Tài chính đặt ra và nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khoá để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; kịp thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời, toàn ngành triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội, ứng phó với đại dịch.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính rà soát vấn đề thể chế, tập trung rà soát những điểm chồng chéo, rào cản cho sản xuất – kinh doanh, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển bền vững. Bộ Tài chính cần tập trung rà soát, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động đầu tư; mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng số hóa trong cung cấp dịch vụ công,...

Hai là, chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp về thuế, phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh; quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu.

“Đề nghị lãnh đạo các cấp ở địa phương vào cuộc, chỉ đạo sát sao thực hiện các giải pháp về tài chính ngân sách; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn để có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu phù hợp; phấn đấu tăng thu tối thiểu 3 - 5% so dự toán Quốc hội giao.” – Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo.

Ba là, điều hành chi NSNN trong phạm vi dự toán được giao; linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh việc giải ngân thực hiện dự án đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình…; phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư theo Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ là trong quý III/2021 giải ngân tối thiểu 60% và đến cuối năm đạt 95-100% kế hoạch.

Công tác chi tập trung cao độ, huy động và ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, cấp bách để tạo nguồn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, phục vụ chiến lược vắc-xin.

Bốn là, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp sai phạm; tăng cường quản lý, giám sát chứng khoán, có giải pháp dự báo và kiểm soát tốt dòng tiền nóng, đảm bảo phát triển ổn định thị trường, khắc phục tình trạng nghẽn lệnh do lỗi kỹ thuật; phải kiên quyết kiểm soát việc thao túng giá trong chứng khoán, xử nghiêm các trường hợp vi phạm.

Năm là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên,..; thực hiện các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán; chuyển đổi cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với trách nhiệm giải trình và minh bạch hóa các chế tài xử lý có đủ mức độ răn đe; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ tạo cơ sở để thực hiện mục tiêu về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội; đẩy mạnh cơ cấu lại DN nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn theo tiến độ để đảm bảo dự toán thu trong cả giai đoạn 2021 - 2025.

Hồng Vân

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam