Sửa biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp

16:43 | 14/07/2021 Print
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước trước ảnh hưởng dịch Covid-19.

lắp ráp ô tô

Dự thảo nghị định đã đề xuất sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Ảnh: TL.

Điều chỉnh một số mặt hàng có thuế MFN chênh lệch lớn

Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện, gửi xin các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp có liên quan.

Theo Bộ Tài chính dự thảo nghị định này nhằm thực hiện các chỉ đạo theo nghị quyết của Chính phủ. Theo đó, ngày 8/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, trong đó, giao: “Bộ Tài chính và Bộ Công thương nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị phương án phù hợp về thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định đối với một số mặt hàng, nguyên vật liệu tăng giá mạnh; xác định rõ nguyên nhân và dự báo xu hướng giá trong thời gian tới, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp... ".

Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trong đó, nghị quyết đã giao: Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giảm thuế MFN ở mức độ phù hợp đối với một số mặt hàng nhập khẩu có thuế MFN (Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường) chênh lệch lớn so với mức thuế theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là những mặt hàng trong nước không có hoặc ít có nhu cầu bảo hộ để tạo môi trường cạnh tranh; điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng, nguyên vật liệu, góp phần ổn định mặt băng giá cả trong nước.

Sở dĩ ở thời điểm này, Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính rà soát sửa đổi các quy định liên quan đến biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi bởi vì dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội thế giới và trong nước, làm đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Trong nước, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất gặp phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động; hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, trong đó lĩnh vực vận tải, vận chuyển hành khách bị gián đoạn do giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, quy mô thị trường bị thu hẹp. Cùng với đó, một số ngành như chăn nuôi, xây dựng đang chịu nhiều tác động tiêu cực do giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và sức cạnh tranh.

Ngoài ra, thời gian gần đây, Bộ Tài chính cũng nhận được kiến nghị của một số hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến việc điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của một số mặt hàng trong Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có nhiều chính sách được ban hành nhưng việc khai thác, xuất khẩu một số mặt hàng khoáng sản đang diễn biến phức tạp. Việc khai thác, xuất khẩu các mặt hàng đá tự nhiên, clanke xi măng có xu hướng tăng mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng như yêu cầu giữ lại nguồn tài nguyên cho sử dụng trong nước, nhất là các loại tài nguyên không tái tạo.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nghị định số 57/2020/NĐ-CP là hết sức cần thiết. Nghị định sửa đổi nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước trước ảnh hưởng dịch Covid-19.

Dự thảo nghị định khi được ban hành sẽ khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản phẩm để tăng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; góp phần ổn định thị trường, nhất là đối với sản phẩm trong nước đã sản xuất được và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.

Đề xuất sửa chương trình ưu đãi thuế ô tô lắp ráp trong nước

Theo đó, dự thảo nghị định sửa đổi thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng để bảo vệ, thúc đẩy khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo trong nước, hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên thô, chưa qua chế biến và góp phần đơn giản biểu thuế.

Đáng chú ý, dự thảo nghị định sửa đổi mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng tăng giá mạnh thời gian qua để góp phần phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp. Theo đó, điều chỉnh thuế xuất khẩu phôi thép và thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với mặt hàng thép xây dựng, thúc đẩy ngành thép phát triển bền vững.

Ngoài ra, dự thảo nghị định điều chỉnh thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, bao gồm mặt hàng lúa mỳ và ngô.

Tại dự thảo nghị định đã đề xuất sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung của chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng vàng, bột thạch anh mịn, hạt giống cây trồng…

Theo Bộ Tài chính, dự thảo nghị định không phát sinh thủ tục hành chính mới hay thủ tục hành chính cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Đồng thời, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung là những vấn đề đã được cơ quan thuế, cơ quan hải quan thực hiện trong giai đoạn vừa qua.

Theo đó, khi thực hiện nghị định theo phương án sửa đổi, bổ sung đề xuất sẽ không làm phát sinh thêm chi phí tuân thủ cũng như nguồn nhân lực cho việc tổ chức thực hiện./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ)

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam