Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: Cải thiện hiệu suất phân bổ, phù hợp các ưu tiên phát triển

14:13 | 14/07/2021 Print
(TBTCVN) - Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Stefanie Stallmeister- Giám đốc Điều hành Hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, hiệu suất đầu tư công được xác định là yếu tố quan trọng để thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

8

Hiệu suất đầu tư công được xác định là yếu tố quan trọng để thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Để nâng cao hiệu suất đầu tư công, Chính phủ trước hết cần cải thiện hiệu suất phân bổ, nhằm đảm bảo các dự án đầu tư có đủ nguồn lực để chi trả, phù hợp với các ưu tiên phát triển của quốc gia và khả năng tiên liệu về vốn…

PV: Giải ngân đầu tư công trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam rất chậm, chỉ đạt 29,02% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Bà có bình luận gì về kết quả này?

Bà Stefanie Stallmeister: Giải ngân chậm vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA nói riêng làm chậm quá trình cung cấp các dịch vụ công tốt hơn cho người dân. Nếu giải ngân đúng kế hoạch, chúng ta đã có thể xây mới thêm được nhiều hơn những lớp học, bệnh viện và đường sá.

pv8

Bà Stefanie Stallmeister

Tốc độ giải ngân các dự án sử dụng vốn của WB đã chững lại trong những năm qua, ở mức 9 - 14%, thấp hơn so với tỷ lệ bình quân của các dự án khác sử dụng vốn WB trong khu vực (18%) và trên toàn cầu (20%). Tuy nhiên, có cơ sở để lạc quan khi Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết đặt ra mục tiêu giải ngân đầu tư công năm nay phải đạt ít nhất 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chúng tôi hi vọng quyết tâm chính trị đó sẽ biến thành những hành động cụ thể và công tác triển khai Nghị quyết mạnh mẽ sẽ góp phần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong thời gian tới.

PV: Theo nhận định của bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công bị chậm trễ trong thời gian qua?

Bà Stefanie Stallmeister: Giải ngân chịu tác động của nhiều yếu tố kết hợp. Trước hết các quy định và thủ tục liên quan còn khá rườm rà. Chẳng hạn, việc phê duyệt các dự án mới hoặc sửa đổi các dự án đang triển khai đòi hỏi phải được nhiều cơ quan thông qua. Ngoài ra nhiều dự án khi được phê duyệt lại chưa sẵn sàng để triển khai, có thể phải mất đến hai năm để thiết kế và đấu thầu cho các hoạt động của dự án.

Thứ hai, quy trình lập kế hoạch và lập dự toán ngân sách còn chưa tối ưu. Đầu tiên, yêu cầu chi tiêu phải tuân thủ kế hoạch kinh phí của dự án phù hợp với nguyên tắc quản lý tài khóa lành mạnh. Nhưng đây là thông lệ mới và việc áp dụng đòi hỏi phải xét đến tình trạng thiếu kinh nghiệm trong việc lập ngân sách trung hạn theo dự án. Hiện nay, công tác lập kế hoạch nguồn lực vốn đã gây chậm trễ cho quá trình triển khai các dự án cần giải ngân nhanh. Yếu tố nữa là sự chậm trễ trong việc phân bổ kinh phí cho các dự án đã được phê duyệt. Việt Nam có cơ chế phân bổ nguồn lực phức tạp cho từng dự án cụ thể, với sự tham gia của các cấp, các ngành và địa phương.

Thứ ba, liên quan đến các dự án ODA, vốn đối ứng được phân bổ chưa đầy đủ và chậm trễ, đặc biệt cho công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, điều này cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng chậm trễ trong xây dựng.

PV: Về khuyến nghị chính sách trong các báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô định kỳ tại Việt Nam của WB, WB khuyến nghị cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Vậy theo quan điểm của bà, có những giải pháp gì để đẩy mạnh giải ngân trong điều kiện hiện nay?

Bà Stefanie Stallmeister: Hiệu suất đầu tư công được xác định là yếu tố quan trọng để thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Chúng tôi đang phối hợp với Chính phủ để giải quyết những thách thức như tôi đã nêu trên. Để nâng cao hiệu suất đầu tư công, Chính phủ trước hết cần cải thiện hiệu suất phân bổ, nhằm đảm bảo các dự án đầu tư có đủ nguồn lực để chi trả, phù hợp với các ưu tiên phát triển của quốc gia và khả năng tiên liệu về vốn. Thứ hai là phải đảm bảo hiệu suất hoạt động, nghĩa là các dự án đầu tư phải sẵn sàng để triển khai, được triển khai đúng hạn, đúng ngân sách và đúng theo yêu cầu kỹ thuật. Thứ ba, công trình hoàn thành cần được quản lý và sử dụng hợp lý để đảm bảo tính bền vững. Một số các biện pháp có thể triển khai là hợp lý hóa quy trình và thủ tục, có sự hướng dẫn rõ ràng từ cơ quan cấp ngân sách đến cơ quan triển khai, đặc biệt ở tuyến cơ sở do có rất nhiều sửa đổi trong thời gian qua.

Đồng thời, Chính phủ cần triển khai cách tiếp cận có hệ thống hơn trong công tác dự báo nhu cầu vốn trong tương lai cho các dự án hiện hành, để qua đó tính toán một cách chính xác hơn dư địa tài khóa dành cho các dự án mới.

Chúng tôi đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thường xuyên rà soát tiến độ triển khai dự án sử dụng vốn WB. Đồng thời cùng với 5 ngân hàng phát triển khác, chúng tôi tham gia tích cực vào các thảo luận sửa đổi luật và nghị định quy định về quản lý đầu tư công và sử dụng vốn ODA để cải thiện hiệu suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực.

PV: Xin cảm ơn bà!

Tỷ lệ giải ngân giảm so với cùng kỳ năm 2020

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2021, có 3 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%. Có 9 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2021 (tính đến hết 30/6/2021) là 133.890,16 tỷ đồng, chỉ đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (34%), trong đó vốn trong nước đạt 31,75%, vốn nước ngoài đạt 7,37%.

Luyện Vũ (thực hiện)

Luyện Vũ (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam