Bộ Tài chính đẩy mạnh cải cách hành chính trong giai đoạn mới

10:46 | 14/07/2021 Print
(TBTCVN) - Đẩy mạnh cải cách hành chính trong đó có cải cách thủ tục hành chính là việc làm thường xuyên, liên tục của Bộ Tài chính trong suốt những năm qua. Hiện tại, Bộ Tài chính tiếp tục lên kế hoạch hành động cải cách thủ tục hành chính cho giai đoạn tới với mục tiêu phấn đấu ở mức cao.

Infographic: HỒNG VÂN

Infographic: Hồng Vân

7 năm liền trong nhóm bộ dẫn đầu PAR Index

Thời gian qua, Bộ Tài chính luôn coi cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và quyết liệt triển khai công tác này một cách đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính. Vì vậy, công tác CCHC của Bộ Tài chính không chỉ đạt kết quả tích cực trong từng lĩnh vực riêng lẻ mà giữa các lĩnh vực đã có sự bổ trợ cho nhau, tạo hiệu ứng nâng cao hiệu quả CCHC trong tất cả lĩnh vực tài chính. Từ đó, tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát huy mọi nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Công tác cải cách thể chế tài chính và những nỗ lực trong triển khai thực hiện với các giải pháp điều hành cụ thể, thiết thực đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), bám sát mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính luôn chủ động trong cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh. Từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 236 TTHC, đơn giản hoá 73 TTHC.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ

Quan điểm của Bộ Tài chính là lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, DN là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền trong ngành Tài chính để giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại, góp phần hình thành công dân số, DN số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, ngành Tài chính số.

Từ năm 2020 đến nay (tính đến 23/6/2021), tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 895 TTHC. Trong đó, đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 100% TTHC, cụ thể: mức độ 1 là 94 thủ tục, mức độ 2 là 281 thủ tục, mức độ 3 là 80 thủ tục, mức độ 4 là 440 thủ tục. Hiện nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành tích hợp, chia sẻ kết nối 285/520 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Trong lĩnh vực thuế, dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử đã thực hiện tại 63/63 cục thuế địa phương và 100% chi cục thuế trực thuộc. Có 99,67% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99,18% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử và 97,38% doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử.

Lĩnh vực hải quan, có 99,65% doanh nghiệp tại 100% đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc tham gia hệ thống VNACCS/VCIS; 13 bộ, ngành tham gia kết nối với 226 TTHC được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ đã được xử lý gần 3,89 triệu bộ hồ sơ và trên 47,7 nghìn doanh nghiệp tham gia; đã triển khai trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D bản điện tử (e-C/O form D) với 9 nước ASEAN.

Với những nỗ lực đó, kết quả công bố mới đây về Chỉ số CCHC năm 2020 (PAR Index) của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 2 với kết quả Chỉ số CCHC đạt 94,84%. Đây là năm thứ 7 liên tiếp (2014-2020), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index.

Gắn số hóa với giải quyết thủ tục hành chính

Phấn đấu cải cách TTHC là cả quá trình, nếu nơi lỏng sẽ lập tức “rớt” hạng. Có kinh nghiệm trong thực hiện nhiều năm qua, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.

Quan điểm của Bộ Tài chính là lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, DN là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền trong ngành Tài chính để giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại, góp phần hình thành công dân số, DN số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, ngành Tài chính số.

Một loạt các mục tiêu phấn đấu được đặt ra cho các năm, từ năm 2021 - 2025 với các chỉ tiêu hết sức cụ thể. Ví như, năm 2021, Bộ Tài chính sẽ hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 40% để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.

Sang năm 2022, tối thiểu 30% người dân, DN khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó. Giảm thời gian chờ đợi của người dân, DN tại bộ phận một cửa xuống trung bình còn tối đa 30 phút/1 lần đến giao dịch.

Đến năm 2025, Bộ Tài chính phấn đấu tăng tỷ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công trong mỗi năm thêm 20% cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. 80% người dân, DN khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận trước đó. 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng. Giảm thời gian chờ đợi của người dân, DN xuống trung bình còn tối đa 15 phút/1 lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/1 hồ sơ vào năm 2025. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025.

Vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa cải thiện môi trường kinh doanh

Trước yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được để xây dựng ngành Tài chính với bộ máy tinh gọn; đội ngũ công chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để hiện đại hóa hoạt động của ngành nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian tới, ngành Tài chính sẽ lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế tài chính đồng bộ, hiện đại là điều kiện tiên quyết thúc đẩy sự phát triển của ngành nói riêng và của đất nước nói chung.

Nhắc đến cải cách TTHC, đại diện DN, hiệp hội DN và các chuyên gia kinh tế đã dành cho ngành Tài chính những lời có cánh. Bởi trên thực tế, những cải cách mạnh mẽ về TTHC trên cả nước đã tiết kiệm cho ngân sách gần 15 nghìn tỷ đồng mỗi năm; hơn 18 triệu ngày công với số tiền tương đương là 6.300 tỷ đồng. Trong đó, có đóng góp không nhỏ của ngành Tài chính.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã từng không tiếc lời khen khi cho rằng, những kết quả cải cách của Bộ Tài chính đã góp phần tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được xã hội, cộng đồng người dân và doanh nghiệp đánh giá cao. Ngành Tài chính, mà tiên phong là cơ quan thuế đã đi đầu và chấp nhận sự đánh giá của doanh nghiệp để làm căn cứ thúc đẩy cải cách.

Ngành Tài chính cũng là ngành đầu tiên phối hợp với VCCI để tổ chức việc khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Qua kết quả khảo sát, đại diện VCCI cũng đánh giá cao những nỗ lực của ngành Thuế trong cung cấp thông tin chính sách thuế khi có đến hơn 80% doanh nghiệp hài lòng và đánh giá mức độ dễ tiếp cận đối với chính sách thuế.

Ở góc độ xa hơn, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc cắt giảm các TTHC của ngành Tài chính đã tạo ra những hiệu ứng tích cực hỗ trợ người dân và DN giảm bớt các chi phí trong tuân thủ của cả cơ quan quản lý và người dân, DN. Trong đó, đã giảm cả về thời gian, chi phí cũng như giảm bớt được những tổn thương xã hội khác do Covid-19 gây ra. “Việc này đã giúp ích không chỉ cho DN mà còn cho môi trường đầu tư, giúp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài” - TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam