Khuyến nghị đối với nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp

18:47 | 13/07/2021 Print
Cho đến nay, khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã có những thay đổi căn bản. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng và có một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn cho bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường nói chung.

trái phiếu doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính - Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh

Ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính - Bộ Tài chính, trao đổi với một số cơ quan báo chí xung quanh nội dung này.

* PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sau 6 tháng triển khai các quy định mới về phát hành TPDN?

- Ông Nguyễn Hoàng Dương: Khung pháp lý mới về trái phiếu doanh nghiệp đã có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021, với 3 nghị định quy định về chào bán và giao dịch TPDN, bao gồm: Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Sau 6 tháng triển khai khung pháp lý mới, thị trường TPDN duy trì đà tăng trưởng và có một số kết quả tích cực.

Tính đến hết 30/6, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ là 168.702 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020; khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tương đương 50,3% khối lượng phát hành của năm 2020, chiếm 8,3% tổng khối lượng TPDN phát hành.

Điều này cho thấy bước đầu có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng, đây là tín hiệu tốt trên thị trường TPDN.

Các ngân hàng thương mại là nhà phát hành lớn nhất, chiếm 40,2% tổng khối lượng phát hành; khối lượng trái phiếu của DN bất động sản giảm 55,5% so với cùng kỳ năm 2020 (chiếm 13,2% tổng khối lượng phát hành). Lãi suất phát hành bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 7,9%/năm, giảm 1,6%/năm so với cùng kỳ năm 2020 (9,5%/năm).

Công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, chiếm 44,4% tổng khối lượng phát hành, tổ chức tín dụng (TCTD) chiếm 25% tổng khối lượng phát hành. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp chiếm 5,7% khối lượng phát hành, giảm 50% so với tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân năm 2020 (là 12,7% tổng khối lượng phát hành).

Điều này cho thấy các quy định mới tại Nghị định số 153 có tác động hạn chế các đối tượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có khả năng đánh giá rủi ro đầu tư TPDN phát hành riêng lẻ, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư này.

* PV: Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, trên thị trường TPDN vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn cho bản thân DN, nhà đầu tư và thị trường nói chung. Ông có thể cho biết những rủi ro trong thời gian tới là gì?

Ông Nguyễn Hoàng Dương: Về cơ bản, các quy định mới đã tạo ra một khuôn khổ pháp luật thống nhất để phát triển thị trường TPDN, nhưng cũng sẽ có những rủi ro mới phát sinh.

Đối với DN phát hành, DN huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Tuy nhiên, trường hợp DN phát hành khối lượng lớn, vượt quá khả năng tài chính của DN cũng như phương án sử dụng vốn cho sản xuất kinh doanh không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến việc DN không trả nợ, hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư,… gián tiếp làm cho thị trường tài chính bị ảnh hưởng.

Pháp luật quy định nhà đầu tư tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua TPDN riêng lẻ. Theo đó, pháp luật quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ. Tuy nhiên, trên thị trường có tín hiệu nhà đầu tư “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích để mua TPDN riêng lẻ.

Chúng tôi nhận được phản ánh, các tổ chức cung cấp dịch vụ, phân phối trái phiếu (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) cũng đẩy mạnh chào mời các nhà đầu tư cá nhân để mua TPDN. Trường hợp những đối tượng mà các tổ chức này hướng tới không phải là đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mà chúng tôi phát hiện được thì sẽ xử lý theo chế tài đã được quy định. Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các đối tượng này.

* PV: Vậy, Bộ Tài chính có khuyến nghị gì để người tham gia tuân thủ hơn quy định của pháp luật, thưa ông?

- Ông Nguyễn Hoàng Dương: Chúng tôi có khuyến nghị cho từng đối tượng tham gia thị trường TPDN. Đối với DN phát hành trái phiếu cần phải căn cứ vào dòng tiền và tính khả thi của phương án sản xuất kinh doanh, để quyết định huy động TPDN cho phù hợp.

Nếu huy động nhiều quá, đẩy lãi suất lên cao thì sẽ ảnh hưởng tới tình hình tài chính. Đặc biệt nếu DN gặp khó khăn thì sẽ có rủi ro là không thanh toán được, không có khả năng trả các khoản nợ đến hạn, trong đó có trả nợ lãi, gốc trái phiếu.

Nhà đầu tư khi mua TPDN thì cần phân biệt rõ, nhận thức rõ được các loại hình trái phiếu. Trong đó, TPDN phát hành ra công chúng áp dụng cho mọi đối tượng nhà đầu tư nhưng trái phiếu này sẽ do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép trước khi phát hành.

Còn đối với TPDN phát hành riêng lẻ thì đối tượng mua chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, bởi họ có thể phân tích được rủi ro, đánh giá được rủi ro của DN, cũng như của chính trái phiếu đó.

Nhà đầu tư cá nhân mà không đánh giá được rủi ro của trái phiếu thì phải hết sức cẩn trọng đầu tư vào TPDN. Nhà đầu tư cần yêu cầu DN phát hành trái phiếu/tổ chức môi giới cung cấp đầy đủ các thông tin bao gồm: trái phiếu do DN nào phát hành, mục đích phát hành; có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo; cam kết của DN phát hành đối với trái phiếu; kỳ hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc, lãi; tình hình tài chính của DN phát hành; quy trình, hồ sơ về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với các nhà đầu tư cá nhân theo quy định tại Nghị định số 155.

Nhà đầu tư đặc biệt lưu ý không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Nhà đầu tư trái phiếu cũng cần lưu ý việc các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc đầu tư vào TPDN. Các tổ chức này chỉ là DN cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc DN có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của DN phát hành.

Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ và phân phối trái phiếu thì cần phải tuân thủ tuyệt đối các quy định pháp luật về tư vấn, phát hành, phân phối các trái phiếu, đảm bảo trái phiếu được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Khánh Huyền (ghi)

Khánh Huyền (ghi)

© Thời báo Tài chính Việt Nam