Không chuẩn bị tốt, có tiền cũng không thể giao vốn

17:49 | 13/07/2021 Print
"700 dự án nhưng đến nay chưa thấy chuẩn bị gì. Trong thẩm tra cũng rất lo ngại, nhất là dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia chưa thấy hình dáng, chưa thấy danh mục dự án ở đâu" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói về kế hoạch đầu tư công trung hạn trong phiên họp sáng 13/7.

Trong chiều 12 và sáng 13/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính; kế hoạch vay, trả nợ công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

TV
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Tổng thu ngân sách giai đoạn tới khoảng 8,3 triệu tỷ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội, về cơ bản, UBTVQH và Chính phủ thống nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm tới.

Theo đó, tổng thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng, gấp khoảng 1,2 lần giai đoạn 2016 - 2020, tương ứng với mức tăng của giai đoạn trước. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước (NSNN) bình quân khoảng 16%, trong đó từ thuế phí khoảng 13,4%. Tổng chi giai đoạn 2021 - 2025 là 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 2,87 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28%, trong tổ chức thực hiện thì phấn đấu đạt 29%, chi thường xuyên khoảng 6,4 triệu tỷ đồng, phấn đấu vào khoảng 60%.

Tỷ lệ bội chi bình quân mục tiêu là 3,7% GDP, trần nợ công không quá 60%, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45%, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách bình quân không quá 25%.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự kiến tổng mức vốn này của giai đoạn 2021 - 2025 là 2,87 triệu tỷ đồng. Trong đó, dự kiến bố trí 100.000 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), gồm: CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số 50.000 tỷ đồng; CTMTQG xây dựng nông thôn mới 30.000 tỷ đồng và CTMTQG giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững 20.000 tỷ đồng.

Đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, Chính phủ dự kiến bố trí khoảng 183,253 nghìn tỷ đồng từ ngân sách trung ương, trong đó giành 65,795 nghìn tỷ đồng cho 2 dự án chuyển tiếp và 1 dự án mới đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư là: dự án giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông giai đoạn 1; dự án hồ chứa nước của Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Còn khoảng 38.000 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Số vốn còn lại khoảng 78,79 nghìn tỷ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc.

Thảo luận về các báo cáo, các thành viên UBTVQH đề nghị cần đánh giá sát và nổi bật hơn nữa kết quả, thành tựu của 5 năm vừa qua, nhất là 4 năm đầu kế hoạch và đánh giá thêm năm 2020 chúng ta đã vượt qua khó khăn của đại dịch toàn cầu Covid-19.

Về kế hoạch tài chính trung hạn, các thành viên UBTVQH đánh giá đã giải quyết tốt vấn đề chi đầu tư phát triển, bảo đảm các nhu cầu chi thường xuyên. Một số chính sách như cải cách tiền lương chưa thực hiện được đúng lộ trình vì hụt thu do tác động của đại dịch Covid-19. Cơ cấu thu - chi ngân sách rất tích cực. Nhiều địa phương có tỷ lệ thu nội địa rất cao như Hà Nội đạt tới 93%.

Chi thường xuyên giảm rất mạnh, có những thời điểm giảm xuống dưới 62%, 60%. Một số địa phương làm rất tốt vấn đề này như Hà Nội bảo đảm chi thường xuyên - chi đầu tư phát triển là 50% - 50%, Quảng Ninh là 51% - 49%...

Một số ý kiến đặt vấn đề vì sao các địa phương này làm được như vậy trong khi cả nước tỷ lệ chi thường xuyên vẫn rất cao, cần phân tích, đánh giá kỹ để lan tỏa ra các địa phương khác. Ngoài ra, báo cáo cần thể hiện rõ hơn kết quả giải quyết xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công, an ninh, an toàn tài chính, củng cố được nền tảng vĩ mô, đặc biệt rất thành công trong việc tái cơ cấu nợ và đặt ra các bài học kinh nghiệm trong điều hành.

Bên cạnh các vấn đề về kinh tế, một số thành viên UBTVQH cho rằng Chính phủ cần thể hiện rõ việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển xã hội, bảo đảm cân đối giữa kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh, cải cách tư pháp, đối ngoại…

Không phải chỉ nêu khó khăn rồi đổ thừa cho thể chế

Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, bối cảnh tình hình được Đảng ta đánh giá tại Đại hội XIII rất đúng, rất toàn diện, sâu sắc. Tại Hội nghị lần thứ 3 vừa qua, Trung ương đã thảo luận và thống nhất các quan điểm, mục tiêu trong 5 năm tới, nhấn mạnh các yếu tố nhanh, bền vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu hàng đầu, bảo đảm an ninh tài chính, an toàn nợ công, không để nợ xấu quay trở lại. Đây là thách thức rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian tới cần chú ý khắc phục cả 2 khuynh hướng. Một là, bảo thủ, sai không sửa. Hai là, đổ thừa cho cơ chế. "Tôi thấy khuynh hướng thứ hai dường như đang nổi lên rất mạnh. Chúng ta cần nhìn thẳng vấn đề này. Đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế. Cơ chế bao gồm luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn. Cấp nào phải có trách nhiệm rà soát để sửa? Vướng chỗ nào thì phải chỉ ra, xác định rõ sửa cái gì, sửa như thế nào… không phải chỉ nêu ra rồi đổ thừa cho thể chế. Ví dụ, tại sao đầu tư công năm ngoái giải ngân đạt tỷ lệ 98%, trong khi trước đó đều đạt thấp?" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhất trí với đề nghị các thành viên UBTVQH về việc thí điểm, thử nghiệm các cơ chế, chủ trương mới cần hết sức chặt chẽ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các vấn đề thử nghiệm phải được báo cáo Bộ Chính trị. Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, sau đó mới tiến hành. Bên cạnh đó, cần tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng như các dự án thua lỗ, yếu kém, các hạn chế về quản lý đất đai,… "Phải tập trung giải quyết những tồn đọng này trước khi tạo ra năng lực sản xuất mới" - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá lại kết quả thực hiện các nghị quyết về cơ chế đặc thù cho một số địa phương, tránh tình trạng chỉ đề nghị chính sách chi mà không chú ý tới chính sách thu, trong khi chính sách thu mới tạo ra nguồn lực để phát triển hoặc ban hành chính sách mà không thực hiện được.

700 dự án đầu tư công chưa được chuẩn bị

Liên quan đến chính sách thu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu cần triển khai sớm và tổ chức thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, giảm tỷ lệ nợ đọng, tổng kết thực hiện hóa đơn điện tử, giao dịch xuyên biên giới…, "không lạm thu nhưng phải bảo đảm công bằng, bình đẳng". Các luật thuế cần được sửa đổi để tạo dư địa nhiều hơn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, để doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu.

Về đầu tư công, theo Chủ tịch Quốc hội, báo cáo của Chính phủ bỏ sót một nội dung rất quan trọng là công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức triển khai Luật Đầu tư công. "Tôi thấy 700 dự án nhưng đến nay chưa thấy chuẩn bị gì. Trong thẩm tra cũng rất lo ngại, nhất là dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia chưa thấy hình dáng, chưa thấy danh mục dự án ở đâu. Xoay đi xoay lại là gần hết năm thứ nhất của kế hoạch 5 năm rồi. Sau này chậm là do chúng ta" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và yêu cầu công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia phải đẩy mạnh hơn nữa. "Không chuẩn bị tốt, không có danh mục thì có tiền cũng không giao vốn được" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ quan ngại khi nợ địa phương tăng 2,7 lần, cần xem lại khả năng trả nợ của địa phương đến đâu. Nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, có những nhiệm vụ chi của địa phương nhưng trung ương vẫn phải lo, như chi giải phóng mặt bằng xây dựng đường cao tốc.

Về tỷ lệ điều tiết, Chủ tịch Quốc hội nhất trí sẽ trình vào tháng 10 cùng với kế hoạch năm 2022, giai đoạn 2022 - 2025, nhưng lưu ý cần bám sát Luật Ngân sách nhà nước.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam