Đảm bảo cân đối cung - cầu, ngăn giá cả biến động mạnh

15:00 | 12/07/2021 Print
Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nhất là các hàng hóa thiết yếu, dự báo tác động đến mặt bằng giá trong nước cũng như tới sản xuất, kinh doanh, nhằm có biện pháp cân đối cung - cầu kịp thời trong trường hợp giá cả có biến động mạnh.

siêu thị

Hàng hóa dồi dào sẽ góp phần cân đối cung - cầu, tránh thiếu hàng sốt giá. Ảnh: TL.

Quản chặt các hàng hóa thiết yếu

Nhận định về tình hình giá cả thị trường 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho rằng, từ diễn biến lạm phát có thể thấy mặc dù nguy cơ lạm phát tăng cao trên nhiều khu vực thế giới song việc kiểm soát lạm phát trong nước vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ và đã được dự báo, đánh giá trong kịch bản điều hành giá do Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra ngay từ đầu năm.

Trong vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành đánh giá, dự báo tình hình giá cả và tính toán các kịch bản, giải pháp điều hành báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, quán triệt triển khai đồng bộ, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến giá cả thị trường, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn để hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, các mặt hàng do Nhà nước định giá được giữ ổn định nhằm tạo điều kiện cho công tác kiểm soát lạm phát ngay trong nửa đầu năm 2021. Một số hàng hóa dịch vụ quan trọng thiết yếu tiếp tục được đề xuất giảm giá để hỗ trợ nền kinh tế như mặt hàng điện. Theo đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện chủ trương giữ ổn định giá điện bán lẻ bình quân để đảm bảo hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương để trình Chính phủ phương án giảm giá điện đợt 3. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-CP về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 cho khách hàng sử dụng điện như các cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở đang thực hiện cách ly, khám bệnh tập trung, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ước tính số tiền hỗ trợ giảm đợt 3 khoảng 1.200 - 1.300 tỷ đồng.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương (chủ trì) trong việc cập nhật diễn biến giá thế giới, thường xuyên đánh giá tác động giá xăng dầu trong nước đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Đồng thời, liên bộ căn cứ diễn biến tình hình kinh tế - xã hội và các giải pháp điều hành vĩ mô của Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp. Trong đó, Quỹ Bình ổn giá được điều hành theo hướng ngừng trích lập và tăng chi sử dụng để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trước biến động tăng của giá thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2021, 12 văn bản điều hành xăng dầu đã được ban hành, trong đó giá xăng có 9 lần tăng, 1 lần giảm và 2 lần giữ ổn định; giá dầu có số lần điều chỉnh tăng ít hơn (7 - 8 lần tùy loại).

Đối với mặt hàng thép xây dựng, từ đầu năm đến nay, giá thép trong nước có diễn biến chủ yếu là tăng giá. So với đầu năm 2021 thì giá bán hiện tăng khoảng 12 - 16% tùy theo từng chủng loại và nhà sản xuất. Diễn biến mặt hàng thép đã được cập nhật và báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trong quý I/2021. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo thực hiện một số giải pháp. Hiện Bộ Công thương đang thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình sản xuất, cung cầu sản phẩm thép trên thị trường.

Dự báo là nền tảng cho việc xây dựng kịch bản điều hành giá

Theo ước tính của Cục Quản lý giá, trên cơ sở đánh giá dự báo xu hướng các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2021, kết hợp với đánh giá về lạm phát cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, có thể thấy nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược có thể tạo áp lực lên giá một số nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế, từ đó tác động đến thị trường trong nước qua kênh nhập khẩu; dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại một số địa phương bị ảnh hưởng.

Theo Cục Quản lý giá, việc kiểm soát CPI bình quân cũng cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm tới 2022.

Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm 2021 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá, từ đầu năm 2021 dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã phân tích có dự báo, trên cơ sở đó có kịch bản điều hành phù hợp, theo đó dự báo nguồn nguyên, nhiên vật liệu khan hiếm có khả năng tăng, như giá xăng dầu.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, không chủ quan bởi lạm phát có thể quay trở lại với nhiều yếu tố tiềm ẩn tác động đến sản xuất - kinh doanh như mùa mưa bão sắp đến; đà tăng của một số mặt hàng như sắt thép, xi măng, giá xăng dầu…

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên vật liệu chiến lược trên thế giới; tính toán, dự báo tác động đến mặt bằng giá trong nước cũng như tác động tới sản xuất, kinh doanh nhằm có biện pháp cân đối cung – cầu kịp thời trong trường hợp giá cả tiếp tục có biến động mạnh. Mặt khác, cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, thao túng giá, các hành động “tát nước theo mưa” để trục lợi.

Bên cạnh đó, công tác tổng hợp, phân tích, dự báo là nền tảng cho việc xây dựng kịch bản điều hành giá cũng cần được triển khai hiệu quả hơn, nhằm tính toán được những thời điểm thuận lợi, đủ điều kiện cho việc triển khai thực hiện lộ trình thị trường đối với giá dịch vụ công. Đây cũng là nhằm nhanh chóng thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, giải phóng nguồn lực xã hội trong cung cấp dịch vụ công.../.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam