“Rộng đường” cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính

10:29 | 09/07/2021 Print
(TBTCVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 21/6/2021 (Nghị định số 60) về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Phóng viên TBTCVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Trường Giang – Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), xung quanh những quy định mới này.

8

PV: Xin ông cho biết Nghị định số 60 vừa được Chính phủ ban hành có những điểm mới như thế nào so với Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL)?

Ông Nguyễn Trường Giang: Có thể tóm tắt một số nội dung mới quan trọng của nghị định như sau:

Một là, kể từ thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới, đơn vị SNCL tự chủ ở mức cao được trả lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp. Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị do ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm chi thường xuyên chi trả tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp theo quy định hiện hành. Nội dung này nhằm tạo động lực khuyến khích đơn vị SNCL khai thác nguồn thu, nâng cao mức độ tự chủ tài chính.

pv8

Ông Nguyễn Trường Giang

Hai là sửa đổi, bổ sung quy định về xác định mức độ tự chủ tài chính của đơn vị SNCL. Việc phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị SNCL được thực hiện trên cơ sở tách bạch rõ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và hoạt động kinh doanh dịch vụ của đơn vị SNCL.

Ba là bổ sung quy định cụ thể về tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết mà Nghị định số 16 chưa có. Quy định này cũng để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất chung về việc phân phối kết quả từ hoạt động liên doanh liên kết của đơn vị SNCL, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; đồng thời góp phần huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ SNCL.

Bốn là quy định một số nội dung đặc thù trong sử dụng nguồn tài chính và phân bổ, giao dự toán của đơn vị SNCL trong lĩnh vực y tế - dân số và lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Trước đây, Chính phủ yêu cầu các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, xây dựng cơ chế tự chủ riêng. Tuy vậy, đến nay sau 5 năm thực hiện, hầu hết các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đều chưa hoàn thành nhiệm vụ này. Do đó, lần này, Chính phủ đưa những quy định cụ thể đó vào ngay nghị định chung.

PV: Hiện nay, các đơn vị SNCL tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí trong giá. Do đó, nhiều đơn vị khó khăn trong thực hiện. Điều này được khắc phục ra sao trong Nghị định số 60, thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Giang: Nghị định số 60 đã quy định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN đến năm 2021 phải cơ bản hoàn thành.

Tuy nhiên, nghị định cũng cho phép trường hợp do khó khăn khách quan cần xây dựng lộ trình khác thì các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.

Riêng các đơn vị không thực hiện được lộ trình đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; giá dịch vụ giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.

Đối với dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN, đơn vị SNCL được quyết định giá dịch vụ bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý; trường hợp dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì thực hiện theo mức giá cụ thể, khung giá do cơ quan có thẩm quyền quy định. Trường hợp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN có chênh lệch thu nhỏ hơn chi, đơn vị SNCL phải tính toán bù đắp khoản thiếu hụt bằng các nguồn kinh phí hợp pháp của đơn vị, NSNN không cấp bù.

PV: Theo quan điểm của ông, Nghị định số 60 sẽ đem lại những lợi ích nào cho các đơn vị SNCL?

Ông Nguyễn Trường Giang: Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 60 góp phần hoàn thiện đầy đủ cơ sở pháp lý theo hướng trao quyền tự chủ đầy đủ về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính; khuyến khích đơn vị SNCL đủ điều kiện thực hiện cổ phần hóa.

Trong đó, việc xác định mức độ tự chủ tài chính của đơn vị SNCL đã được tách bạch rõ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và hoạt động kinh doanh dịch vụ; trên cơ sở đó, xác định mức hỗ trợ từ NSNN chỉ sau khi đơn vị đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp.

Đơn vị SNCL tự chủ tài chính ở mức cao được chủ động hơn trong quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, quản lý phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ.

Đơn vị được vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất; vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước hoặc được hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng; vay vốn của các tổ chức tín dụng; được huy động vốn của viên chức, người lao động trong đơn vị.

Nghị định cũng đã quy định đơn vị tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên. Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại với các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp, kinh doanh, dịch vụ.

Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại với các khoản thu, chi hoạt động dịch vụ không sử dụng NSNN.

Điều này tạo điều kiện cho đơn vị chủ động quản lý và sử dụng nguồn tài chính khi học phí và viện phí đã chuyển sang cơ chế giá; vừa phù hợp với mức độ tự chủ của từng đơn vị và vừa không ảnh hưởng đến quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được chia thành 3 nhóm gồm: đơn vị tự bảo đảm trên 70% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên và đơn vị tự bảo đảm dưới 30% chi thường xuyên.
Quy định các nhóm đơn vị như trên để đảm bảo công bằng trong việc quy định mức chi, trích lập và sử dụng các quỹ, phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị.

Hồng Vân (thực hiện)

Hồng Vân (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam