Hải quan tiếp tục phát hiện doanh nghiệp vi phạm xuất xứ

23:34 | 08/07/2021 Print
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và công tác kiểm tra sau thông quan. Tuy nhiên, lực lượng kiểm tra sau thông quan toàn quốc đã nỗ lực cố gắng, tập trung triển khai đồng bộ đạt hiệu quả cao.

kiểm tra sau

Cán bộ hải quan kiểm tra thông tin hồ sơ khai báo nhập khẩu hàng hóa của DN. Ảnh: Hải Anh.

Chống thất thu hàng trăm tỷ đồng

Trong 6 tháng đầu năm 2021, công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) của ngành Hải quan được thực hiện theo chương trình, kế hoạch cụ thể, công tác chuẩn bị kiểm tra được cải cách, nghiên cứu kỹ lưỡng. Do đó, chất lượng, hiệu quả của các cuộc kiểm tra được nâng cao, đạt được sự đồng thuận từ phía doanh nghiệp, giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện và nợ thuế.

Thống kê nửa năm qua, toàn ngành Hải quan đã thực hiện KTSTQ 885 cuộc, trong đó có 231 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 654 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan.

Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 486,51 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN số tiền là 398,08 tỷ đồng.

Trong đó, một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố có số thu NSNN cao hơn cùng kỳ năm 2020 như Cục Hải quan: Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa.

Tiếp tục triển khai thực hiện chuyên đề chống gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan đã thực hiện 39 quyết định KTSTQ tại trụ sở người khai hải quan.

Theo đó, đã xử lý kết quả kiểm tra 16 doanh nghiệp, phát hiện 8 doanh nghiệp vi phạm về xuất xứ, ấn định thuế, xử phạt vi phạm hành chính trên 10 tỷ đồng.

Đối với nhóm mặt hàng pin năng lượng mặt trời, Tổng cục Hải quan đã thực hiện KTSTQ đối với 9 công ty, phát hiện 6 vụ vi phạm về xuất xứ. Vi phạm chủ yếu là xuất khẩu tấm mô đun năng lượng mặt trời được sản xuất từ các tấm tế bào quang điện nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ để được công nhận là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam theo quy định.

Ngành Hải quan cũng đang đổi mới phương thức quản lý doanh nghiệp ưu tiên đáp ứng yêu cầu quản lý theo quy định tại Điều 38 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 hướng dẫn Luật Quản lý thuế.

Hiện, cơ quan hải quan đang làm việc với Công ty Intel xây dựng bài toán và giải pháp công nghệ kết nối giữa hải quan và doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan thực hiện gia hạn chế độ ưu tiên cho 5 doanh nghiệp, công nhận mới 1 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp ưu tiên lên 70 doanh nghiệp.

Tổng cục Hải quan cũng cải tiến phương pháp quản lý, kiểm soát công việc trong quá trình KTSTQ theo mô hình 3 cấp.

Việc cải tiến công tác quản lý theo mô hình này qua kiểm chứng thực tiễn đã phát huy tính ưu việt, không để phát sinh tình trạng nợ đọng thuế khi tiến hành KTSTQ, không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện khi ấn định thuế.

Tập trung vào các doanh nghiệp có rủi ro cao

Tuy đang triển khai hiệu quả nhiệm vụ, song công tác KTSTQ của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố còn đang đối mặt một số khó khăn, chủ yếu do dịch Covid-19.

Số lượng cuộc KTSTQ tại trụ sở cơ quan hải quan của các cục hải quan tỉnh, thành phố không có Chi cục KTSTQ đạt tỷ lệ rất thấp so với tổng số kim ngạch xuất nhập khẩu và tổng số tờ khai làm thủ tục tại đơn vị.

Một số đơn vị không tiến hành hoạt động KTSTQ tại trụ sở cơ quan hải quan, ảnh hưởng đến công tác quản lý hải quan, đặc biệt là công tác hậu kiểm. Cụ thể là Cục Hải quan các tỉnh, thành phố: Cà Mau, Cao Bằng, Điện Biên, Đồng Tháp, Hà Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị…

Số thu nộp NSNN trong công tác KTSTQ của một số Cục Hải quan lớn có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể như: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh (đạt 21%), Cục Hải quan TP. Hà Nội (đạt 6%), Cục Hải quan TP. Hải Phòng (đạt 36%), Cục Hải quan Đồng Nai (đạt 11%)…

Trong nửa cuối năm 2021, ngành Hải quan sẽ đẩy mạnh công tác KTSTQ, tập trung vào các doanh nghiệp có rủi ro cao, mặt hàng trọng điểm có giá trị lớn, thuế suất cao. Triển khai các đoàn KTSTQ theo kế hoạch đề ra trong trường hợp tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.

Cùng với đó là tập trung hoàn thiện phương án sửa đổi Quy trình KTSTQ theo Quyết định số 575/QĐ-KTSTQ ngày 21/3/2019 cho phù hợp với thực tế triển khai, gắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, đúng quy định pháp luật.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan tiếp tục xây dựng kế hoạch định hướng đấu tranh chống gian lận về xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp hàng xuất khẩu vào EU và Ấn Độ, đặc biệt tập trung vào vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhái, hàng giả trong bối cảnh thực thi Hiệp định TRIPS và nghiên cứu sâu vào loại hình gia công các nhóm hàng có kim ngạch tăng đột biến./.

Hồng Vân

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam