Tháo gỡ nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi

11:43 | 08/07/2021 Print
Sau hơn một năm ban hành, Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi bởi những bất cập trong quá trình thực thi.

ODA

Ảnh T.L

Thiếu quy định cho DNNN vay ODA, vay ưu đãi

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù đã đáp ứng một số yêu cầu khi xây dựng, song Nghị định 56 còn nhiều bất cập.

Cụ thể như, việc hoàn thành quy trình, thủ tục từ bước đề xuất dự án đến khi ký hiệp định mất nhiều thời gian. Khác với đầu tư công sử dụng vốn trong nước, việc tiếp nhận vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài phải thực hiện qua nhiều bước (xây dựng và phê duyệt đề xuất, lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đàm phán, ký hiệp định, phê chuẩn hiệp định...). Tại mỗi bước, phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và chính sách của nhà tài trợ, trong khi đó hệ thống pháp luật liên quan đến nguồn vốn này không đồng bộ, nhiều cơ quan, nhiều cấp tham gia trong quá trình ra quyết định dẫn đến việc hoàn thành quy trình, thủ tục ở từng bước mất nhiều thời gian. Thông thường, để có thể thực hiện một dự án phải mất từ 2-3 năm để hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Cùng với đó, khi điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, tất cả các nội dung nào trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đều phải thực hiện hồ sơ, quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư như ban đầu với quy trình, thủ tục phức tạp, gây khó khăn trong quá trình điều chỉnh chương trình, dự án khi triển khai thực hiện.

Đồng thời, hiện chưa có hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phân biệt rõ chi đầu tư và chi thường xuyên trong các dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29/6/201, vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chỉ chi đầu tư phát triển, không dùng chi thường xuyên, nên các cơ quan chủ quản phải thực hiện rà soát, phân bổ lại dòng ngân sách chi đầu tư, chi thường xuyên dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và bố trí vốn đối ứng cho các hoạt động có tính chất chi thường xuyên trong khi nguồn vốn này đã được nhà tài trợ cam kết trong Hiệp định.

Một bất cập nữa của quá trình triển khai là việc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vay lại 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nay không thuộc phạm vi Luật Đầu tư công như trước, mà Nghị định 56 không quy định nội dung này, dẫn đến việc DNNN vay lại 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi không có quy định về quy trình, thủ tục, nên không thực hiện được.

Đơn giản hóa, giảm bớt thủ tục hành chính

Do đó, dự thảo sửa đổi Nghị đinh 56 được xây dựng trên cơ sở kế thừa những mặt được, đồng thời giải quyết những hạn chế, bất cập trong quá thực hiện Nghị định này.

So với Nghị định 56, Nghị định mới bổ sung các văn bản pháp lý liên quan ban hành trong thời gian gần đây (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường) và những văn bản pháp luật liên quan đến các dự án cho DN vay lại 100% vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp).

Tại Chương 1, dự thảo bổ sung "Ủy ban Quản lý vốn nhà nước" vào danh sách cơ quan chủ quản để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Nghị định về DNNN; bổ sung "tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo" trong lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA không hoàn lại để phù hợp với chủ trương, chính sách ưu tiên của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay.

Trong chương I cũng làm rõ khái niệm chi đầu tư và chi thường xuyên trong các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, nhằm thống nhất và tạo thuận lợi cho các bộ ngành, cơ quan và địa phương dễ dàng triển khai, thực hiện chương trình, dự án. Bổ sung quy trình, thủ tục tiếp nhận các khoản viện trợ khẩn cấp theo hướng thực hiện thủ tục rút gọn song vẫn đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì tiếp nhận.

Tại chương 2, dự thảo bổ sung quy định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo hướng phân cấp, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đối với trường hợp điều chỉnh thời gian thực hiện dự án không làm thay đổi các nội dung còn lại của quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nhằm giải quyết những vướng mắc phổ biến hiện nay của các dự án đầu tư.

Một chương mới hoàn toàn được bổ sung vào dự thảo Nghị định là chương về DNNN sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi. Chương này quy định lĩnh vực sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; trình tự, thủ tục phê duyệt, hồ sơ Đề xuất chương trình, dự án; thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư dự án; chế độ báo cáo… của DNNN.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung, sửa đổi các quy định theo hướng giảm bớt, đơn giản hóa thủ tục hành chính với trong việc sử dụng vốn ODA không hoàn lại.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam