Bước thúc đẩy mạnh hơn việc tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công

14:39 | 07/07/2021 Print
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 21/6/2021 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL). Những thay đổi tại Nghị định này được đánh giá sẽ tạo ra bước thúc đẩy mạnh hơn việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị này.

đơn vị sự nghiệp

Đơn vị SNCL tự chủ tài chính ở mức cao được chủ động hơn trong quyết định mức chi hoạt động. Ảnh: TL.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý

Chủ trương về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), trọng tâm là cơ chế tự chủ tài chính đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra tại nhiều văn bản.

Để cụ thể hóa chủ trương này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị SNCL; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 150/2020/NĐ-CP ngày 25/12/2020 về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Nghị định số 60 được ban hành sẽ gắn việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN với cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công để thúc đẩy mạnh hơn việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL; nâng cao chất lượng và hiệu quả của đơn vị SNCL thời gian tới.

nguyễn trường giang

Nguyễn Trường Giang

Theo ông Nguyễn Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 đã góp phần hoàn thiện đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của đơn vị SNCL theo hướng trao quyền tự chủ đầy đủ về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính; khuyến khích đơn vị SNCL đủ điều kiện thực hiện cổ phần hóa.

Trong đó, đối với việc xác định mức độ tự chủ tài chính của đơn vị SNCL đã được hoàn thiện theo hướng tách bạch rõ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và hoạt động kinh doanh dịch vụ của đơn vị SNCL; trên cơ sở đó, xác định mức hỗ trợ từ NSNN chỉ sau khi đơn vị đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp.

Đơn vị SNCL tự chủ tài chính ở mức cao (tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chỉ thường xuyên) được chủ động hơn trong quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, quản lý phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ.

Để đầu tư, nâng cao chất lượng và tăng quy mô hoạt động sự nghiệp, từng bước hoàn thiện việc tổ chức hoạt động dịch vụ, đơn vị được vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất; vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước hoặc được hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật (nếu có); vay vốn của các tổ chức tín dụng, được huy động vốn của viên chức, người lao động trong đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tự chịu trách nhiệm trả nợ vay theo quy định của pháp luật. Việc xác định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN.

Khuyến khích nâng dần mức độ tự chủ

Cũng theo ông Nguyễn Trường Giang, đối với đơn vị SNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, Nghị định số 60 đã bổ sung quy định thành 3 nhóm đơn vị.

Cụ thể gồm: Đơn vị tự bảo đảm trên 70% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên và đơn vị tự bảo đảm dưới 30% chỉ thường xuyên.

Quy định các nhóm đơn vị như trên để đảm bảo công bằng trong việc quy định mức chi, trích lập và sử dụng các quỹ, phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị.

Nhóm đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chỉ thường xuyên sẽ được khuyến khích hơn để nâng dần mức độ tự chủ lên tự bảo đảm chi thường xuyên.

Nghị định cũng đã quy định đơn vị tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp, hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu, chi hoạt động dịch vụ không sử dụng NSNN.

Điều này nhằm tạo điều kiện cho đơn vị chủ động quản lý và sử dụng nguồn tài chính khi học phí và viện phí đã chuyển sang cơ chế giá theo quy định của Luật Giá; đồng thời, vừa để phù hợp với mức độ tự chủ của từng loại hình đơn vị và vừa bảo đảm không ảnh hưởng đến quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước./.

Hồng Vân

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam