Sửa tỷ lệ điều tiết của ngân sách địa phương trong giai đoạn tới

02:19 | 07/07/2021 Print
(TBTCVN) - Tỷ lệ điều tiết của ngân sách địa phương hiện thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước. Thời gian qua rất nhiều các địa phương kiến nghị được tăng tỷ lệ điều tiết để thực hiện đầu tư phát triển.

Biểu đồ: HỒNG VÂN

Biểu đồ: Hồng Vân

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc điều tiết phải thực hiện theo quy định và sẽ cân nhắc vấn đề này trong giai đoạn ngân sách mới.

Tăng tỷ lệ điều tiết để tăng đầu tư phát triển

Có rất nhiều lý do được đưa ra khi các địa phương kiến nghị được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách. Nhưng hầu hết là các tỉnh mong muốn được giữ lại nhiều hơn để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.

Mới đây, Đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP. Hồ Chí Minh từ 18% lên 23% giai đoạn 2022 - 2025 và lên 26% vào 2026 - 2030 đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ. Tại địa phương có số thu lớn nhất cả nước này, nếu được tăng 5% tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2022 - 2025, ước tính thành phố sẽ thêm mỗi năm nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng.

Theo ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN) Bộ Tài chính, việc xác định mức tỷ lệ điều tiết ngân sách của TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương trọng điểm thu thời gian qua đã được các đại biểu Quốc hội Khoá XIV thảo luận kỹ và quyết định, tính đến cân đối nguồn lực ngân sách chung của quốc gia và yêu cầu nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khó khăn khác.

Hà Nội cũng kiến nghị được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách. Theo địa phương này, trong giai đoạn 2017 - 2020, với tỷ lệ điều tiết 35% thì nguồn lực ngân sách mới đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu chi đầu tư phát triển của thành phố. Dự kiến kế hoạch 2021 - 2025, tổng nhu cầu chi của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 là 965 nghìn tỷ đồng, trong đó nhu cầu đầu tư công khoảng 650 nghìn tỷ đồng, trong khi khả năng cân đối ngân sách TP. Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 30 - 35% nhu cầu.

Do vậy, Hà Nội đã đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố trên mức 35% nhằm bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2022 - 2025, đáp ứng trách nhiệm, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thủ đô.

Nghiên cứu tính lại cho thời kỳ ổn định ngân sách mới

Thông tin của Bộ Tài chính, theo quy định của Luật NSNN, đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, việc xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối với từng địa phương được căn cứ vào dự toán thu NSNN và dự toán chi ngân sách địa phương tính theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ (chi đầu tư, chi thường xuyên) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 122/2020/QH14, trong đó tại khoản 5 điều 1 có quy định: “Kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021. Lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên sang năm 2021 để áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới”.

Như vậy, ghi nhận ý kiến đề xuất của các địa phương, Bộ Tài chính cho biết, năm ngân sách 2022 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới; trên cơ sở dự toán thu ngân sách và tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; dự toán chi ngân sách của địa phương tính theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ, để xác định tỷ lệ phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định theo quy định của Luật NSNN.

Hiện nay, Bộ Tài chính được giao nghiên cứu đề án đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách để vừa đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, vừa khuyến khích vai trò chủ động của ngân sách địa phương. Theo đó, có thể phải xem xét sửa đổi một số bất cập trong Luật NSNN hiện hành. Còn việc xác định và điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP. Hồ Chí Minh trong năm 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách tới đây, không phụ thuộc vào tiến độ sửa đổi Luật NSNN. Chính phủ sẽ trình tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại cho TP. Hồ Chí Minh cùng dự toán ngân sách năm 2022 ở kỳ họp Quốc hội vào cuối năm nay.

Cần sự sẻ chia trong bối cảnh ngân sách khó khăn

Đây cũng là vấn đề làm “nóng” diễn đàn Quốc hội thời gian qua. Có đại biểu Quốc hội ví von, “ngân sách nhà nước như một tấm chăn nhỏ mà phải phủ ấm quá lớn nên lĩnh vực chi nào cũng chơi vơi”, còn nhiều nhiệm vụ chi chưa bố trí đủ nguồn kể cả lĩnh vực người có công tăng chi bảo đảm các chính sách khi điều chỉnh chuẩn nghèo, các chương trình mục tiêu, nguồn tăng lương... Cũng có ý kiến chia sẻ khi cho rằng: Chính phủ, Bộ Tài chính như một quản gia trong một gia đình nghèo khó với nhiều yêu cầu chi của cấp có thẩm quyền trong một rừng nhu cầu chi theo thuyết minh của bộ, ngành đều cấp bách cả. Trong điều kiện quan niệm trông chờ bầu sữa ngân sách vẫn hiện hữu, thì rất khó để làm vừa lòng tất cả.

Do đó, việc “đong đếm” sao cho vừa đáp ứng yêu cầu của địa phương, vừa đáp ứng cân đối ngân sách không hề dễ dàng. Chính vì thế, rất cần sự thấu hiểu, sẻ chia giữa các địa phương trong các quyết sách bài toán phân chia tỷ lệ điều tiết ngân sách.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam