Chuẩn hóa mẫu biểu báo cáo giải ngân vốn vay nước ngoài

17:22 | 06/07/2021 Print
Nhằm thực hiện cải cách hành chính trong việc chuẩn hóa chế độ báo cáo, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 48/2021/TT-BTC hướng dẫn biểu mẫu báo cáo giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, áp dụng từ ngày 15/8/2021.

giải ngân vốn vay nước ngoài

Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị trực tuyến giải ngân vốn đầu tư công bằng nguồn vốn vay nước ngoài trong tháng 6/2021. Ảnh: Đức Minh

Đúng thẩm quyền và đầy đủ căn cứ pháp lý

Theo đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN) – Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã có công văn lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn mẫu biểu báo cáo giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo Nghị định số 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ và đã nhận được ý kiến tham gia của 11 bộ, ngành, 41 địa phương, 6 doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công.

Trong đó, một số Bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương) và địa phương (Gia Lai, Thái Nguyên, Bến Tre, Bình Thuận, Đắk Lắk, Long An, Sơn La, Ninh Thuận, Kiên Giang, Hà Giang, An Giang, Bình Định, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Hậu Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu, Lâm Đồng, Hà Tĩnh) có ý kiến hoàn toàn thống nhất với dự thảo thông tư.

Bên cạnh đó, 15 bộ, ngành địa phương về cơ bản thống nhất và có ý kiến tham gia một số chi tiết, tiêu biểu như ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho rằng, việc tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện, giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ KHĐT (Khoản 13 Điều 81, Nghị định 56/2020/NĐ-CP), do vậy Bộ này đã đề nghị Bộ Tài chính rà soát lại phạm vi của dự thảo thông tư trước khi đề nghị các cơ quan có ý kiến về biểu mẫu báo cáo.

Giải trình ý kiến này, Cục QLN&TCĐN cho biết, việc Bộ Tài chính xây dựng thông tư về mẫu biểu giải ngân là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và có đầy đủ căn cứ pháp lý.

Đồng quan điểm với đơn vị soạn thảo, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) khẳng định việc ban hành thông tư là cần thiết và có cơ sở pháp lý.

Bởi tại Khoản 5, Điều 71, Nghị định 56 quy định: “Bộ Tài chính hướng dẫn các mẫu biểu báo cáo giải ngân”. Đồng thời, tại Khoản 8 Điều 82 Nghị định 56 quy định: “Bộ Tài chính hướng dẫn về biểu mẫu, báo cáo về quản lý tài chính của chương trình dự án theo quy định pháp luật hiện hành, thực hiện chế độ báo cáo về giải ngân, rút vốn và trả nợ”.

Khoản 13 Điều 81 Nghị định 56 quy định: “Bộ KHĐT trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng hợp theo định kỳ về tình hình vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi”, không phải là tình hình giải ngân như Bộ KHĐT nêu trên.

4 loại hình báo cáo

Để triển khai, đồng thời thực hiện cải cách hành chính trong việc chuẩn hóa chế độ báo cáo, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 48/2021/TT-BTC hướng dẫn biểu mẫu báo cáo giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Theo đó, Thông tư số 48 hướng dẫn chi tiết về 4 loại báo cáo, bao gồm: Báo cáo kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án, kế hoạch bổ sung, điều chỉnh (nếu có) nguồn vốn nước ngoài; Báo cáo tình hình hạch toán, ghi thu ghi chi nguồn vốn nước ngoài hàng năm; Báo cáo kết thúc giải ngân khoản vay nguồn vốn nước ngoài.

Đặc biệt, đối với báo cáo định kỳ tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn nước ngoài, Bộ Tài chính hướng dẫn rõ: Nội dung báo cáo tình hình thực hiện giải ngân thực tế kế hoạch vốn nước ngoài hàng tháng/quý chi tiết theo danh mục dự án sử dụng vốn nước ngoài (chi tiết theo từng hiệp định vay).

Riêng đối với báo cáo quý, các đơn vị báo cáo kết quả giải ngân quý kèm các phiếu hạch toán ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước được Kho bạc Nhà nước xác nhận; đánh giá kết quả đạt được; khó khăn, vướng mắc (nếu có); nguyên nhân của những vướng mắc dẫn đến chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn vốn nước ngoài, đề xuất giải pháp xử lý, kiến nghị.

Chủ dự án/Ban Quản lý dự án gửi báo cáo hàng tháng tới Bộ Tài chính, Bộ KHĐT trước ngày mùng 5 của tháng sau tháng báo cáo.

Theo Bộ Tài chính, Điều 70 Nghị định số 56 quy định, chủ dự án/ban quản lý dự án báo cáo tình hình giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong vòng 5 ngày kể từ ngày kết thúc tháng. Do đó, việc báo cáo tháng là phù hợp với quy định của Nghị định số 56. Mặt khác, việc báo cáo tháng để kịp thời cập nhật khi có yêu cầu báo cáo gấp.

Các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo bằng một trong các phương thức: Báo cáo bằng văn bản điện tử được gửi qua Trang Thông tin Bộ Tài chính, Hệ thống văn bản và Điều hành, Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tài chính hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài (bao gồm vốn hành chính sự nghiệp) (đồng thời gửi file văn bản qua hệ thống thư điện tử theo địa chỉ [email protected]); Báo cáo bằng văn bản giấy, đồng thời gửi báo cáo bằng văn bản điện tử./.

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam