Gia Lai: Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả

14:00 | 05/07/2021 Print
Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai cho biết, để công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025 không bị dàn trải, kém hiệu quả, tỉnh đang siết chặt công tác thẩm định kế hoạch đầu tư công nhằm hạn chế tình trạng bổ sung các công trình, dự án so với kế hoạch chung.

anh moi

Thi công dự án giao thông vùng ven TP.Pleiku, Gia Lai. Ảnh: CTV

Báo cáo kết quả giám sát tình hình thực hiện vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016 - 2020 do Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thực hiện nổi lên tình trạng, một số dự án mức đầu tư không lớn nhưng thời gian bố trí vốn kéo dài nhiều năm, phải triển khai cầm chừng làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Đối với các dự án khởi công mới trong năm, theo quy định, sau khi giao vốn mới đủ điều kiện triển khai. Tuy nhiên, sau khi vốn được giao, lại cần rất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục như: thẩm định, phê duyệt, tổ chức lựa chọn nhà thầu... nên thường khởi công chậm, kéo theo tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Mới đây, HĐND tỉnh Gia Lai (khóa XI) đã quyết nghị về kế hoạch và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự kiến là hơn 18.259 tỷ đồng (chưa bao gồm các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án ODA khởi công mới), trong đó, vốn ngân sách địa phương gần 12.041 tỷ đồng và vốn ngân sách trung ương hơn 6.218 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2021, tỉnh được Chính phủ phê duyệt hơn 3.313 tỷ đồng để tiếp tục triển khai đầu tư công. UBND tỉnh đã giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2021 là hơn 2.248 tỷ đồng, còn lại hơn 1.065 tỷ đồng dành cho các dự án khởi công mới sẽ giao sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 thông qua.

Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai yêu cầu, ngành chức năng của tỉnh phải thực hiện chặt chẽ hơn công tác thẩm định kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 nhằm hạn chế tình trạng bổ sung các công trình, dự án so với kế hoạch chung đầu giai đoạn, thay đổi quy mô, thiết kế ban đầu và điều chỉnh nguồn vốn sau quyết định chủ trương đầu tư dự án; kiên quyết xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định của pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.

Đặc biệt, các chủ đầu tư cần đảm bảo “mặt bằng sạch” trước khi đề xuất chủ trương đầu tư, tránh tình trạng đã cấp vốn nhưng không thực hiện được do vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng./.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam