Kho bạc Hậu Giang: Hạn chế tối đa rủi ro cho đơn vị sử dụng ngân sách

17:21 | 04/07/2021 Print
Ngoài những lợi ích từ cải cách, hiện đại hóa thủ tục trong giao dịch mà Kho bạc Nhà nước mang lại cho các đơn vị sử dụng ngân sách thì những rủi ro trong công tác kiểm soát chi vẫn tiềm ẩn không ít. Kho bạc Nhà nước Hậu Giang đã có những giải pháp để hạn chế tối đa các rủi ro này.

KBNN

Công chức KBNN vừa thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo an toàn các hoạt động nghiệp vụ. Ảnh minh hoa: H.T

Càng hiện đại thì độ rủi ro càng cao

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước (KBNN) theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngoài việc tập trung triển khai thực hiện Nghị định 11/2020/NĐ- CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN, KBNN đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch với các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) bằng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).

Ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc KBNN Hậu Giang cho biết, DVCTT mức độ 4 đã được đơn vị triển khai thành công đến 100% đơn vị SDNS thuộc đối tượng bắt buộc trên địa bàn. Đến nay, 100% lượng chứng từ chi NSNN qua hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) đã được thực hiện giao dịch qua DVCTT (không bao gồm chứng tư chi khối an ninh, quốc phòng). Bên cạnh đó, KBNN Hậu Giang cũng đã triển khai việc thanh toán, chi trả tiền mặt cho tất cả các đơn vị SDNS qua ngân hàng theo đúng quy định tại Thông tư số 58/2019/TT- BTC của Bộ Tài chính góp phần hạn chế dùng tiền mặt trong thanh toán qua kho bạc.

Đáng chú ý, công tác cải cách hành chính luôn được KBNN Hậu Giang gắn liền với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như triển khai thành công các chương trình ứng dụng trong công tác thanh toán và tổng hợp báo cáo.

“Theo đó, trong năm 2020, KBNN Hậu Giang đã được Tạp chí Tài chính điện tử đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong toàn hệ thống KBNN về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, KBNN Hậu Giang cũng được xếp hạng thứ 4 khối các sở, ban, ngành trong tỉnh về cải cách hành chính và hiện đại hóa các nghiệp vụ (đánh giá của Hội đồng xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh Hậu Giang)”, ông Phúc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phúc, với việc cải cách hành chính và các giao dịch được thực hiện trên môi trường mạng như hiện nay thì những rủi ro xảy ra là điều không tránh khỏi. Đặc biệt, rủi ro thường xảy ra khi các đơn vị SDNS không thực hiện nghiêm việc quản lý chứng thư số, chữ ký số, tài khoản chương trình DVCTT.

Đơn cử như nhiều chủ tài khoản (thường là thủ trưởng đơn vị SDNS) vì lý do bận công việc, không có thời gian nên giao luôn mã pin, chứng thư số, chữ ký số cho kế toán trưởng hoặc là người đại diện (không được phép ủy quyền). Hơn nữa, nhiều chủ tài khoản không quen sử dụng máy tính nên giao toàn bộ chứng thư số, mã pin cho người khác không đúng quy định, hoặc nhờ người khác sử dụng chứng thư số của mình ký hộ giao dịch thanh toán trong hoạt động tài chính.

Ngoài ra, còn có trường hợp do chủ quan, các chủ tài khoản để lộ thông tin về mã pin, không bảo quản chứng thư số đúng quy định, nhất là thường xuyên cài, cắm chứng thư số trên máy tính cá nhân, không thoát khỏi chương trình DVCTT sau khi kết thúc công việc… Lợi dụng sơ hở này, các đối tượng xấu có điều kiện tìm cách biển thủ công quỹ, làm thất thoát tiền của NSNN.

Nỗ lực tuyên truyền vận động các đơn vị sử dụng ứng dụng

Thực hiện các quy định của KBNN, KBNN Hậu Giang đã triển khai chương trình cảnh báo rủi ro từ tháng 8/2019. Hiệu quả của chương trình là giúp các đơn vị giám sát các khoản chi NSNN, kịp thời phát hiện các khoản chi bất thường, góp phần ngăn chặn thất thoát NSNN của đơn vị mình. Tuy nhiên, theo ông Phúc, lượng cài đặt, sử dụng chương trình hiện còn hạn chế (hiện mới có 624/868 đơn vị cài đặt ứng dụng, đạt 71,88%).

Đồng thời, trong suốt thời gian vừa qua, KBNN Hậu Giang luôn yêu cầu các đơn vị SDNS tuyệt đối không được giao chữ ký số, chứng thư số, tài khoản chương trình DVCTT của mình cho người khác quản lý. Kiểm soát chặt chẽ số liệu kế toán, thanh toán, số dư tài khoản trên các mẫu đối chiếu với KBNN. Thực hiện đúng nguyên tắc bất kiêm nhiệm trong công tác tổ chức bộ máy kế toán tại đơn vị; đăng ký các chức danh trên DVCTT đúng với thành phần trong hồ sơ mở và sử dụng tài khoản đã đăng ký với KBNN; kịp thời thu hồi, cấp mới các tài khoản đăng nhập DVCTT đúng quy định.

Để việc giao nhận hồ sơ kiểm soát chi điện tử qua hệ thống DVCTT của KBNN được hiệu quả và an toàn, Giám đốc KBNN Hậu Giang cho biết, tới đây, đơn vị tiếp tục tuyên truyền, vận động để 100% đơn vị SDNS, chủ đầu tư cài đặt và sử dụng ứng dụng cảnh báo rủi ro của KBNN. Tăng cường thông tin, tuyên truyền và thường xuyên trao đổi thông tin đa chiều với các đơn vị giao dịch để nắm bắt tình hình hoạt động tài chính của đơn vị, nhằm kịp thời phát hiện những bất thường, những dấu hiệu mang tính cảnh báo để phòng ngừa và xử lý kịp thời các nguy cơ có thể xảy ra.

Ngoài ra, KBNN Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh việc tích hợp các thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, phấn đấu nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn, góp phần cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị SDNS.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam