Kiểm soát giá vật tư, năng lượng để kiểm soát lạm phát

17:52 | 03/07/2021 Print
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, muốn kiềm chế lạm phát, Nhà nước cần kiểm soát giá vật tư, năng lượng chủ yếu và những mặt hàng thuộc danh mục định giá để ổn định đầu vào cho sản xuất kinh doanh.

vũ vinh phú

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, chúng ta chưa làm tốt khâu phân phối, người dân vẫn bị "móc túi" do khâu trung gian quá cao.

PV: CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Là người luôn theo sát thị trường giá cả hàng hóa, ông nhận định thế nào về con số này, thưa ông?

Ông Vũ Vinh Phú: Rất mừng 6 tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng rất thấp, khả năng 6 tháng cuối năm lạm phát sẽ duy trì ở mức dưới 4%.

Nhưng đằng sau các con số đó, ví như tăng trưởng GDP thì mang lại cho dân cái gì, như Đại hội XIII của Đảng đã nói là dân phải được thụ hưởng.

CPI cũng vậy, hiện nay trên thị trường còn nhiều mặt hàng giá cả vẫn cao,

Giá trên thị trường cao ở mức vô lý. Tôi nói như giá thịt lợn, khi giá lợn hơi đã xuống 25% thì giá ở siêu thị và ngoài chợ chỉ giảm có 5%. Tôi đã chứng kiến ở một siêu thị, thời kỳ giá lợn hơi xuống rồi (tháng 6), 1kg sườn non vẫn ở mức 27.800 đồng/kg. Đó là cái không vui thứ nhất.

Thứ hai, trong khi có dịch, người dân tằn tiện, tiết kiệm. Tôi đã được nhiều ngưới níu áo hỏi, lương có 4 - 5 triệu đồng thì sống làm sao(?). Hiện chỉ có rau ngoài chợ và bìa đậu phụ không tăng giá, mà rau ngoài chợ không đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ có 20% người vào siêu thị thôi. Có nghĩa chúng ta vừa bị mua giá cả cao vô lý, vừa không an toàn thực phẩm, đó là cái không vui thứ hai.

Thứ ba, đó là sự liên kết trong hệ thống phân phối hiện nay rất yếu kém. Rõ ràng, giá đầu vào rất thấp nhưng giá đầu ra lại cao. Người dân vẫn bị "móc túi" do khâu trung gian quá cao.

Một số đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng khôn lỏi, thay đổi bao bì nhãn mác giảm trọng lượng, giá vẫn giữ nguyên nhưng thực chất chính là tăng giá. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng hàng gian, hàng giả diễn ra, nhất là bán hàng trên mạng.

Tóm lại, chúng ta phải xem xét lại vấn đề chiết khấu vào siêu thị, chi phí và tổ chức chuỗi cung ứng. Vừa qua nhiều địa phương có dịch, địa phương bên cạnh lập tức ngăn sông cấm chợ, thế là hàng hóa lại tăng. Đáng nhẽ phải liên kết, phải hợp sức, tạo chuỗi hàng hóa xanh, cho hàng hóa đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ thì lúc đó chúng ta vẫn lúng túng, chưa làm được. Đó là thất bại của hệ thống phân phối.

PV: Như ông dự đoán, kiểm soát CPI năm nay đỡ áp lực hơn, tuy nhiên không thể chủ quan bởi những hạn chế trong phân phối hàng hóa vẫn còn đó, cũng là nguyên nhân gây áp lực lạm phát. Theo ông, muốn giải quyết triệt để bài toán này, cần phải làm gì?

Ông Vũ Vinh Phú: Chính phủ thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý là chủ trương rất đúng. Điều quan trọng là tổ chức thực hiện.

Theo tôi, cần phải đảm bảo các cung cầu lớn của nền kinh tế như năng lượng, lương thực thực phẩm. Ngoài ra, phải tổ chức lại hệ thống phân phối, cắt bớt trung gian. Các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới họ cắt trung gian gần như bằng 0. Vì vậy, giá rất hợp lý, cạnh tranh, nhưng người tiêu dùng được lợi. Bên cạnh đó, chúng ta phải quy hoạch lại sản xuất, gắn với hệ thống phân phối; tổ chức tốt các sàn giao dịch hàng hóa, các chợ đầu mối, tránh người nông dân bị ép giá.

Một điều quan trọng đó là phải kiểm soát được thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại; phải bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất và phân phối làm ăn chân chính.

Nếu làm được thì từng bước giá cả sát với thực tế hơn, có lợi cho người sản xuất và có lợi cho người tiêu dùng.

PV: Ông dự đoán lạm phát năm nay ra sao và làm thế nào để kiểm soát ở mức thấp hơn mục tiêu đề ra, thưa ông?

Ông Vũ Vinh Phú: Tôi cho rằng, muốn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý, cần phải huy động các nguồn lực trong doanh nghiệp, các tầng lớp dân cư vào sản xuất kinh doanh.

Muốn kiềm chế lạm phát, cần tổ chức tốt sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch với năng suất cao và chất lượng đảm bảo, giá cả cạnh tranh. Nhà nước cần kiểm soát giá vật tư, năng lượng chủ yếu và những mặt hàng thuộc danh mục định giá để ổn định đầu vào cho sản xuất kinh doanh.

Nhà nước và các địa phương cũng cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, chống hàng lậu, hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Làm được những điều trên, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tôi cho rằng CPI cả năm sẽ dao động từ 3,4 - 3,6%, đạt thấp hơn mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam