Lên kế hoạch hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

11:06 | 02/07/2021 Print
(TBTCVN) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu Ban chỉ đạo phát triển thị trường nông sản của bộ phải nhanh chóng thu thập, hoàn chỉnh dữ liệu sản xuất để dự báo, lên kế hoạch tiêu thụ những nông lâm thủy sản chính, tránh bị động và nông sản không tiêu thụ được.

12

Vải thiều là một trong các loại nông sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành hỗ trợ tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch trong bối cảnh Covid-19.

Tích cực hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản

Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) cho biết, dịch Covid-19 tiếp tục làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông lâm thủy sản. Trong bối cảnh đó, Bộ NN&PTNT đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển; phân phối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các loại nông sản vào mùa thu hoạch lớn.

Đối với thị trường trong nước, các đơn vị đã chủ động theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung nông sản tại các địa phương, đặc biệt tại những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 đang vào vụ thu hoạch nông sản (vải, nhãn, thanh long, xoài, mít...). Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương tổ chức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, xây dựng phương án ứng phó trong sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19, không để xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản ở biên giới; chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong công tác giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản đặc sản địa phương. Cùng với đó, hỗ trợ kết nối đưa nông sản có sản lượng lớn khi vào vụ và gặp khó khăn khi xuất khẩu vào các hệ thống siêu thị, như Big C, AEON, Hapro, Vinmart (mặt hàng vải thiều, cá tra, cá lòng hồ và các sản phẩm thủy sản, nông sản an toàn của hợp tác xã); đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee…

Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai thành công “Chương trình kết nối tiêu thụ nông sản - san sẻ yêu thương vượt qua đại dịch Covid-19”. Kết quả đợt triển khai chương trình tại 2 điểm tiêu thụ (Khu Hội chợ triển lãm nông nghiệp và Học viện Phụ nữ Việt Nam) với hình thức bán hàng trực tiếp và bán hàng online đối với những nông sản đang chính vụ của một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh đang bị dịch Covid-19. Sau 1 tuần triển khai (từ ngày 7 - 14/6/2021), khối lượng tiêu thụ (cả bán trực tiếp và online) đạt 20 tấn vải Bắc Giang, 10 tấn bí thơm Bắc Kạn, 5 tấn dưa kim hoàng hậu Thanh Hóa, 10 tấn mận và 10 tấn xoài, thanh long của Mộc Châu.

Không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, Bộ NN&PTNT cũng hỗ trợ Tập đoàn Central Retail; trao đổi tham tán nông nghiệp kết nối với các địa phương, doanh nghiệp để xuất khẩu vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường châu Âu (EU), Thái Lan. Đồng thời phối hợp với Bộ Công thương tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh, đàm phán thu mua vải thiều; đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU...

Nhanh chóng hoàn chỉnh dữ liệu sản xuất để đẩy mạnh tiêu thụ

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản Bộ NN&PTNT cho rằng, dự báo những khó khăn, thách thức từ tác động của đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tác động đến sản xuất, tiêu thụ và xuất nhập khẩu. Việc tiêu thụ nông sản tại các đô thị lớn hiện nay rất khó, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh qua hệ thống siêu thị truyền thống. Việc đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử cũng cần có thời gian để làm quen…

Do vậy, để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, 6 tháng cuối năm, ngành NN&PTNT sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh... phù hợp với thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và trong bối cảnh tiếp tục chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ kịp thời các loại nông sản chính như nhãn, cam, thanh long… cho người dân, khắc phục tình trạng dư thừa, giá giảm gây thiệt hại cho người sản xuất… Các đơn vị chức năng kịp thời giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa tại các cửa khẩu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Để giải bài toán quan hệ sản xuất và thị trường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã yêu cầu Ban chỉ đạo phát triển thị trường nông sản của Bộ phải nhanh chóng thu thập, hoàn chỉnh dữ liệu sản xuất của ngành nhằm đưa ra định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp, gắn với kế hoạch tiêu thụ và xúc tiến thương mại. “Trước mắt trong 6 tháng cuối năm, Ban chỉ đạo phải dự báo, lên kế hoạch tiêu thụ những nông lâm thủy sản chính, tránh bị động và nông sản không tiêu thụ được” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh


6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã tăng mạnh 28,2% so với cùng kỳ năm 2020, tổng trị giá đạt 24,23 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra. 6 tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt từ 3 - 3,2%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 45 tỷ USD.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam