Bài 2: Thần tốc để “lập đỉnh” giải ngân vốn đầu tư công

10:38 | 02/07/2021 Print
(TBTCVN) - Đến nay đã đi qua nửa năm nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cả nguồn đầu tư từ ngân sách và vốn vay ODA đều rất chậm. Vẫn điệp khúc “đầu năm thong thả cuối năm vất vả”, “tiền chờ công trình”, “chậm như giải ngân vốn đầu tư công”…

8

Tuy nhiên với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, với tinh thần giải ngân thần tốc để “lập đỉnh” vào cuối năm sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhiều dự án trọng điểm đang rất chậm

Lo lắng trước tình trạng giải ngân quá chậm trong 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã phải điều hành cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về vấn đề này. Bộ Tài chính cũng đã liên tục tổ chức 2 cuộc “thúc” giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi với khối các bộ, ngành và địa phương.

Năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) (không bao gồm 16.000 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Thủ tướng Chính phủ giao) là hơn 584 nghìn tỷ đồng (gồm: kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2021 là hơn 74 nghìn tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2021 là hơn 510 nghìn tỷ đồng).

Theo Bộ Tài chính, với kế hoạch vốn năm 2021 ước thanh toán từ đầu năm đến 30/6/2021 là hơn 133.890 tỷ đồng, đạt 26,23% kế hoạch (hơn 510 nghìn tỷ đồng) và đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng, không bao gồm số địa phương phân bổ tăng). Trong đó, vốn trong nước đạt hơn 28% kế hoạch, vốn nước ngoài mới đạt hơn 7,3%. Như vậy, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (33,04%). Trong đó vốn trong nước đạt 31,75% (cùng kỳ năm 2020 là 36,33%), vốn nước ngoài đạt 7,37% (cùng kỳ năm 2020 đạt 10,48%).

Nguyên nhân chậm giải ngân hầu hết không có gì lạ. Theo Bộ Tài chính, ngoài nguyên nhân do các tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung vào giải ngân theo kế hoạch vốn 2020 được phép kéo dài, chuyển nguồn thì còn do nhiều nguyên nhân như: chậm triển khai giải phóng mặt bằng, tái định cư; khó khăn trong công tác đấu thầu; vướng mắc trong công tác thi công.

Thẳng thắn trước dư luận, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng phải thừa nhận, có nguyên nhân chủ quan từ phía người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao vốn chưa quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, chưa sát sao xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh. Điều này lý giải vì sao trong cùng một hệ thống pháp luật, có những bộ, địa phương giải ngân khá cao, nhưng có nơi lại chưa giải ngân được đồng vốn nào, hay giải ngân thấp không đáng kể.

Sôi sục ý chí quyết tâm

Đúng là gánh nặng dồn vào cuối năm là rất lớn khi còn tới hơn 2/3 số vốn cần giải ngân trong nửa cuối năm. Nhưng khó mấy vẫn phải làm. Đến nay không thể lơ là, đủng đỉnh nếu muốn giải ngân số lượng lớn như vậy.

Những lo lắng này đã lan vào cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phiên họp thứ 57 vào giữa tháng 6 vừa qua. Cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ - Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ hơn việc chậm giải ngân của một số bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm “chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn”. Chính vì nhận thức “đầu tư công là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế”, nên nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, cũng như giao trách nhiệm cho bí thư, chủ tịch các tỉnh.

Trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 đang hết sức phức tạp và được dự báo kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này. Tại chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Từng bộ, ngành, địa phương phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho” và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm…

Sôi sục ý chí quyết tâm, các bộ ngành, địa phương đã bắt tay vào cuộc. Lãnh đạo địa phương cũng bày tỏ quyết tâm coi đây là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tại địa phương mình. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, một tuần kể từ khi chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, đã có khoảng 1.000 dự án đầu tư công được các bộ ngành, địa phương công bố cắt giảm...

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đầu tư công tiếp tục được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2021. Vì vậy, tháo gỡ điểm nghẽn đầu tư công, thúc đẩy vốn giải ngân là giải pháp quan trọng vào thời điểm này. Bởi theo ông, nếu giải ngân được số vốn khoảng 600 nghìn tỷ đồng (tính cả số 16 nghìn tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia), thì đây sẽ là “cú hích” lớn, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2021.

Đã qua nửa năm, qua thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, mới có 9 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30% kế hoạch, trong đó, một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao. Còn lại, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Có 37/50 bộ và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó có 9 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn. Đáng lo ngại, nhiều dự án trọng điểm như: Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành đang rất chậm.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam