Hỗ trợ giảm đầu vào hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp

10:14 | 30/06/2021 Print
(TBTCVN) - Không để ngắt quãng chính sách giảm phí, lệ phí hỗ trợ cho nhiều đối tượng doanh nghiệp trong suốt hơn 1 năm qua, mới đây, Bộ Tài chính đã tiếp tục ban hành thông tư thực hiện mức giảm cao, từ 10 - 50% nhiều khoản phí, lệ phí đến hết năm nay.

Nguồn: Bộ Tài chính   								               Infographic: Hồng Vân

Nguồn: Bộ Tài chính Infographic: Hồng Vân

Tổng cộng trong 2 năm, ước tính có khoảng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm đầu vào cho doanh nghiệp.

Giảm mạnh nhiều khoản phí, lệ phí

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo quy định tại thông tư, giảm 50% nhiều khoản thu, như: lệ phí cấp Căn cước công dân; lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; lệ phí sở hữu công nghiệp; phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy; phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh; phí xác minh giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong nước… Đáng chú ý, Bộ Tài chính tiếp tục giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 20% mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không...

Theo tính toán của Bộ Tài chính, số giảm thu từ việc giảm các khoản phí, lệ phí từ tháng 7 đến hết năm 2021 ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

“Việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua có tác động khá tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt là các phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động… đã được giảm mạnh”. Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Được biết, giữa năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực, chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát để ban hành 21 thông tư điều chỉnh giảm nhiều khoản phí, lệ phí. Các thông tư giảm phí, lệ phí có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2020. Cuối năm 2020, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục rà soát để giảm phí, lệ phí năm 2021. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và ban hành Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 quy định kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí (đã giảm năm 2020 nêu trên) đến hết ngày 30/6/2021.

Số giảm thu từ phí, lệ phí trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 từ các thông tư trên ước khoảng 2.000 tỷ đồng. Như vậy, sau khi áp dụng Thông tư 47/2021/TT-BTC, đến hết năm 2021, số giảm thu từ phí, lệ phí khoảng 3.000 tỷ đồng.

Tạo động lực cho doanh nghiệp vượt khó

Khi ngân sách đang phải co kéo trong “tấm chăn hẹp” như hiện nay, động thái chia sẻ với doanh nghiệp nêu trên đã nhận được sự đồng tình của dư luận. Dù còn mong mỏi được hỗ trợ nhiều thêm, nhưng hầu hết các doanh nghiệp, đại diện hiệp hội doanh nghiệp được hỏi đều đánh giá cao Bộ Tài chính. Những mức giảm, giãn thuế, phí và lệ phí giúp doanh nghiệp có thêm nguồn để đầu tư tiếp tục sản xuất kinh doanh vượt qua khó khăn.

Trả lời báo chí, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua có tác động khá tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt là các phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động… đã được giảm mạnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính - cho rằng, việc kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí đã góp phần tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp vực dậy sản xuất và tiêu dùng, đóng góp tích cực trong việc phục hồi nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nhìn vấn đề ở nhiều góc độ, theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn cũng như để có thể hoàn thành các mục tiêu tài chính - ngân sách đã đặt ra, bên cạnh các chính sách tài khóa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đổi mới quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại để vươn lên, đặc biệt ở thời điểm khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong những tháng đầu năm, công tác điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19. Theo đó, đã cho phép tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp; tiếp tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021; miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí trong năm 2021…

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kịp thời khó khăn, vướng mắc thủ tục hành chính thuế cho doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, ngành Tài chính kiên quyết loại bỏ những cơ chế, chính sách có dấu hiệu cản trở, gây khó khăn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp thu hút đầu tư kinh doanh, vừa nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, vừa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.

Doanh nghiệp đang "khát vốn”, thì “một đồng cũng quý”


Theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi doanh nghiệp đang khát vốn thì “một đồng cũng quý” và đề xuất này của Bộ Tài chính là rất đáng mừng.

Ông cho rằng, thuế, phí là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội, có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm…). Do đó, những chính sách liên quan đến thuế, phí phù hợp với thực tiễn sẽ góp phần giúp doanh nghiệp ổn định để còn yên tâm làm ăn, phục hồi sau dịch Covid-19.

Việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua có tác động khá tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt là việc giảm mạnh các phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động… Hiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ, Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát, kiến nghị miễn, giảm thuế, phí và lệ phí đặc biệt là trên các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, để tiếp tục hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính phải tính toán để vừa hoàn thành nhiệm vụ điều hành chính sách tài chính - NSNN đề ra, vừa hỗ trợ được doanh nghiệp. Đây là bài toán khó, phải tính toán khéo léo mới hóa giải được. Theo một số chuyên gia, về dài hạn, cần có những sắc thuế phù hợp với thực tiễn để có thể đảm bảo tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, ổn định, theo chiều sâu. Cải cách chính sách thuế này phải theo hướng nuôi dưỡng nguồn thu, tạo sự công bằng, bình đẳng; tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, làm ăn có lãi.

Có ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 đã kéo dài sang năm thứ hai, cho nên cơ quan quản lý cần phải có tính toán kỹ lưỡng, dài hơi hơn về các chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch. Trong đó, việc thực hiện các chính sách về thuế phải thận trọng, phù hợp thực tiễn. Các chính sách thuế phải vừa hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa phải phù hợp với Việt Nam và thông lệ quốc tế.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam