Diễn biến COVID-19 tới sáng 1/2: Hàn Quốc giãn cách hết Tết Nguyên đán; hệ thống y tế Bồ Đào Nha quá tải hoàn toàn

06:31 | 01/02/2021 Print
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 372.000 ca COVID-19 và trên 8.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 103,4 triệu ca, trong đó trên 2,23 triệu ca tử vong.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế ở New York, Mỹ, ngày 5/1.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 99.000 ca), Brazil (27.756 ca) và Anh (21.088 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.510 ca), Mexico (1.495 ca) và Anh (587 ca).

Tới nay, đã có 19 quốc gia ghi nhận trên 1 triệu ca mắc. Trong số đó, Mỹ đứng đầu thế giới với trên 26,7 triệu ca bệnh và trên 451.000 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai với trên 10,7 triệu ca bệnh và trên 154.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 9,2 triệu ca bệnh và 224.000 ca tử vong.

Trong bối cảnh số ca mắc gia tăng và lo ngại về các biến chủng mới, các nước đều thắt chặt biện pháp phòng dịch bệnh và đẩy nhanh tiêm chủng vaccine COVID-19.

Hàn Quốc tiếp tục giãn cách xã hội đến hết Tết Nguyên đán

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun ngày 31/1 cho biết chính phủ nước này đã quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm hai tuần nữa.

Phát biểu tại cuộc họp chính phủ về ứng phó với dịch COVID-19, Thủ tướng Chung Sye-kyun nêu rõ: “Làn sóng lây nhiễm thứ ba lại ập vào Hàn Quốc. Do đó, chính phủ quyết định duy trì các quy định giãn cách xã hội hiện tại trong 2 tuần nữa cho đến hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán".

Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã cân nhắc giảm bớt các biện pháp giãn cách xã hội để giúp hồi sinh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh. Tuy nhiên, do số ca lây nhiễm tập thể liên quan tới các trường học và bệnh viện vẫn tiếp tục tăng, nên chính phủ quyết định gia hạn các biện pháp này.

Kể từ ngày 8/12/2020, Hàn Quốc đã áp dụng giãn cách xã hội cấp độ 2,5, mức cao thứ hai trong thang bậc 5 cấp, ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Các lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên đã được áp dụng hầu như trên toàn quốc.

Ngày 22/1, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng qua với 346 ca sau khi đạt đỉnh 1.241 ca trong ngày 25/12/2020. Tuy nhiên, số ca lây nhiễm lại gia tăng và tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 (tức số người mà một bệnh nhân COVID-19 làm lây nhiễm), đã tăng lên.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Hàn Quốc cũng cho biết nước này sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) cho 60.000 người sớm nhất vào giữa tháng 2 tới và vaccine của hãng AstraZeneca (Anh) cho 2,19 triệu người trong nửa đầu năm nay.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận thêm 355 ca nhiễm mới ngày 31/1, trong đó có 325 ca lây nhiễm trong nước.

Hong Kong (Trung Quốc) xét nghiệm trên 8.000 người ở khu vực phong tỏa

Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 21/1/2021.
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 21/1/2021.

Cục trưởng Y tế và Thực phẩm Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Trần Triệu Thủy cho biết kể từ khi làn sóng thứ 4 dịch COVID-19 bùng phát, người dân tại hơn 100 tòa chung cư ở Hong Kong đều phải thực hiện xét nghiệm bắt buộc.

Riêng trong tuần qua, Hong Kong đã phong tỏa 3 chung cư ở Jordan, Yau Ma Tei và North Point, trong đó có hơn 8.000 người dân đã phải xét nghiệm bắt buộc. Xét nghiệm cho thấy 13 người ở chung cư Jordan và 1 người ở chung cư Yau Ma Tei dương tính với virus SARS-CoV-2. Tính đến nay, Hong Kong ghi nhận tổng cộng 10.322 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 177 người không qua khỏi.

Bà Trần Triệu Thủy cho biết sách lược xét nghiệm COVID-19 của Hong Kong hiện nay là tiếp tục thực hiện và mở rộng biện pháp xét nghiệm gồm “xét nghiệm bắt buộc", “khuyến cáo xét nghiệm” và “tự nguyện xét nghiệm”.

Iran tuyên bố vaccine nội địa kháng được biến thể mới của SARS-CoV-2

Người phát ngôn lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Iran, ông Hojjat Niki Maleki, cho biết một loại vaccine do nước này tự phát triển có thể kháng được biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh.

Trong phát biểu đăng trên mạng xã hội Twitter, ông Maleki nêu rõ: “Tiến sĩ Hassan Jalili, thành viên nhóm phát triển vaccine cho biết, phân tử palasma trong máu của những tình nguyện viên đầu tiên được tiêm vaccine Covo của Iran trong quá trình thử nghiệm lâm sàng có khả năng vô hiệu hóa hoàn toàn biến thể virus SARS-CoV-2 từ Anh”.

Iran - một trong những quốc gia Trung Đông chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, với 1.417.999 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 57.959 người không qua khỏi, đang cố gắng tự phát triển vaccine.

Ngày 30/1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã nhắc lại sự cần thiết phải tuân thủ các quy định về y tế, phòng ngừa dịch bệnh nếu không nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ phải đối mặt với một làn sóng COVID-19 khác trong vòng hai tháng tới.

Israel đã tiêm chủng cho hơn 30% dân số

Ngày 31/1, Bộ Y tế Israel thông báo số người được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại quốc gia này hiện đã vượt mức 3 triệu người.

Như vậy, kể từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu ngày 20/12/2020, tới nay Israel đã tiêm chủng cho 32,2% trong tổng dân số 9,4 triệu người. Các số liệu cho thấy khoảng 90% người dân từ 70 tuổi trở lên ở Israel đã được tiêm chủng. Hiện tổng số ca bệnh tại Israel là 643.435 ca, trong đó 4.796 ca tử vong.

Australia phong tỏa thành phố Perth sau khi phát hiện ca nhiễm cộng đồng

Trong cuộc họp báo khẩn chiều 31/1, Thủ hiến bang Western Australia, ông Mark McGowan thông báo quyết định phong tỏa toàn bộ thành phố Perth - thủ phủ của bang, trong vòng 5 ngày sau khi lực lượng chức năng phát hiện ca đầu tiên lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng sau gần 10 tháng.

Ông McGowan cho biết ca nhiễm trên là 1 nam nhân viên bảo vệ tại khách sạn được sử dụng làm nơi cách ly người nhập cảnh. Nhiều khả năng người này mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh.

Quyết định phong tỏa sẽ có hiệu lực ngày từ 18h00' ngày 31/1 (theo giờ địa phương, tức 14h00' theo giờ Việt Nam). Theo quyết định trên, người dân tại thành phố Perth và khu vực phía Tây Nam không được ra khỏi nhà, trừ đi làm, mua sắm đồ dùng cần thiết, khám chữa bệnh hay chăm sóc người già yếu và tập thể dục gần nhà. Các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu sẽ phải đóng cửa hoặc chỉ phục vụ khách mang đi. Người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.

Theo ông McGowan, chính quyền bang đã nhanh chóng triển khai các biện pháp truy vết và tăng cường việc xét nghiệm cũng như đề nghị chính quyền các bang khác ở Australia cảnh báo người dân không tới bang này trong những ngày tới.

Mặc dù không có trường hợp lây nhiễm cộng đồng trong gần 10 tháng qua, bang Western Australia liên tục ghi nhận các ca nhiễm là những người từ nước ngoài trở về. Gần đây nhất có một số người nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh và Nam Phi

Hệ thống y tế Bồ Đào Nha hoàn toàn quá tải do COVID-19

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Lisbon, Bồ Đào Nha ngày 8/1/2021.

Tình hình đại dịch COVID-19 tại Bồ Đào Nha đang hết sức nghiêm trọng khi có tới 70% số nhân viên y tế bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong khi số giường bệnh chăm sóc tích cực đã chạm ngưỡng.

Theo các chuyên gia khủng hoảng, tình hình ở Bồ Đào Nha hiện bị đánh giá ở mức rất nghiêm trọng. Chính phủ Bồ Đào Nha đã đề nghị trực tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer hỗ trợ y tế do tình hình dịch bệnh căng thẳng với sự lây lan rộng khắp của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh. Bồ Đào Nha hiện ghi nhận gần 12.482 ca tử vong và 720.516 ca mắc COVID-19, trong khi chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày ở nước này ở mức trên 800 ca, mức cao nhất thế giới.

Không chỉ Đức hỗ trợ, Áo cũng thông báo sẽ tiếp nhận tới nước này các bệnh nhân nặng từ Bồ Đào Nha để chữa trị. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết Bộ Y tế Bồ Đào Nha sẽ thông báo số bệnh nhân được chuyển tới Áo chữa trị.

Hiện hệ thống y tế ở Bồ Đào Nha đã hoàn toàn quá tải và không thể tiếp nhận thêm cũng như điều trị tốt cho bệnh nhân COVID-19. Khoảng 70% nhân viên y tế tại các bệnh viện đã bị nhiễm COVID-19. Thông báo của giới chức y tế Bồ Đào Nha ngày 30/1 cho biết nước này chỉ còn trống đúng 7 giường bệnh trong tổng số 850 giường bệnh chăm sóc tích cực cho bệnh nhân mắc COVID-19 ở đất liền.

Bồ Đào Nha hiện cũng đã áp đặt phong tỏa để kiểm soát đại dịch. Kể từ ngày 31/1, việc ra vào những khu vực nghỉ dưỡng nổi tiếng sẽ không thể thực hiện nếu không có lý do chính đáng. Bên cạnh đó, Bồ Đào Nha cũng đã phải tái kiểm soát trở lại các khu vực biên giới giáp Tây Ban Nha, giống như đã thực hiện mùa Xuân năm ngoái. Việc kiểm soát cũng được thực hiện nghiêm ngặt tại các bến cảng, sân bay. Lệnh phong tỏa chỉ được áp đặt ngoại lệ với những người phải đi làm, xe chở hàng hóa hoặc vật tư y tế, nhân đạo.

Tunisia phê chuẩn việc lưu hành vaccine Sputnik V của Nga

Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết Tunisia đã trở thành quốc gia quốc gia thứ 3 ở châu Phi phê chuẩn việc lưu hành vaccine ngừa COVID-19 của Nga là Sputnik V.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Viện Pasteur ở Tunisia (IPT) Hechmi Louzir thông báo lô 93.000 liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Pfizer/BioNTech sẽ được bàn giao cho nước này vào giữa tháng 2 tới, trong khi 500.000 liều vaccine khác của Oxford/AstraZeneca sẽ được cung cấp vào cuối tháng tới. Theo ông Louzir, các lô vaccine này là một phần trong sáng kiến Cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX.

Nam Phi đặt mua thêm 20 triệu liều vaccine

Ngày 31/1, báo The Sunday Times dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết nước này đã đạt thỏa thuận đặt mua thêm 20 triệu liều vaccine COVID-19 của hãng Pfizer.

Theo Bộ trưởng Y tế Nam Phi, nước này đang đợi phía nhà sản xuất cung cấp các văn bản thỏa thuận cuối cùng với chi tiết về lịch trình bàn giao và số lượng cụ thể. Như vậy, tổng số liều vaccine COVID-19 mà Nam Phi đã đặt mua thành công là hơn 40 triệu liều.

Tính tới nay, Nam Phi ghi nhận tổng cộng hơn 1,4 triệu ca bệnh, trong đó có hơn 43.000 ca tử vong. Đây cũng là quốc gia chịu tác động mạnh nhất tại châu Phi. Nền kinh tế hàng đầu châu Phi đã đảm bảo được khoảng 12 triệu liều vaccine từ cơ chế phân phối vaccine do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng điều hành, 12 triệu liều theo một thỏa thuận với Liên minh châu Phi (AU) và 9 triệu liều từ Johnson & Johnson. Dự kiến lô vaccine đầu tiên (khoảng 1 triệu liều) sẽ được bàn giao cho quốc gia này vào đầu tháng 2. Đây là vaccine của AstraZeneca do Viện Serum Ấn Độ sản xuất, dự kiến sẽ được tiêm cho đối tượng ưu tiên là các nhân viên y tế.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam