2 bước cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Cần có cơ chế cụ thể, tránh “bình mới rượu cũ”

19:22 | 26/06/2021 Print
(TBTCVN) - Thí điểm cổ phần hóa 2 bước là một điều tích cực và là một hình thức để thay đổi cơ chế về quản trị từ cấu trúc mô hình doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, phải có một cơ chế cụ thể để sự thay đổi này là thực chất, không phải hình thức, nếu không vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”.

12

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong 4 tháng đầu năm 2021 vẫn chậm.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN xung quanh đề xuất thí điểm cổ phần hóa 2 bước khi cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh - Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Viet Analytics cho rằng, thay đổi là tích cực. Tuy nhiên, phải có một cơ chế cụ thể để sự thay đổi này là thực chất, không phải hình thức, nếu không vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”.

PV: Ông nhận định thế nào về việc cổ phần hóa (CPH) nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong thời gian vừa qua?

Ông Đinh Tuấn Minh: Rõ ràng trong giai đoạn vừa qua, nhất là năm 2012 đến nay chúng ta đã đưa ra những mục tiêu tham vọng về CPH DNNN và đã đạt được một số kết quả nhất định. Mặc dù vậy, tỷ lệ DNNN được CPH vẫn thấp, đặc biệt đối với những DNNN lớn thì các tiến trình từ lên danh sách, phê duyệt CPH cho đến tiến hành đánh giá, kiểm kê tài sản đến CPH… đều chậm hơn so với tiến độ đề ra.

pv12

Ông Đinh Tuấn Minh

PV: Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, đề xuất thí điểm chuyển DNNN sang ngay mô hình công ty cổ phần (CTCP), sau đó niêm yết lên sàn chứng khoán và thực hiện thoái vốn qua sàn. Giải pháp này sẽ thay cho biện pháp bán một phần vốn nhà nước trước, sau đó chuyển thành CTCP để niêm yết lên sàn chứng khoán như giai đoạn vừa qua. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

Ông Đinh Tuấn Minh: Theo tôi đây là một điều tích cực, khi đó là một hình thức để thay đổi cơ chế về quản trị từ cấu trúc mô hình DN TNHH một thành viên sang mô hình CTCP. Tất nhiên, trên một số khía cạnh thì điều này là tốt vì khi chuyển sang mô hình này thì bắt buộc DNNN phải công khai các báo cáo tài chính đúng hạn, giải trình các hoạt động kinh doanh giống như một CTCP. Qua đó, sẽ tạo ra một sức ép về thay đổi cách thức vận hành của DNNN đó. Đây chính là mặt tích cực.

Tuy nhiên, cũng cần các quy định mang tính đột phá để tránh việc rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ”. Bởi vì tuy tên là CTCP nhưng vẫn 100% vốn của nhà nước, chưa có tư nhân tham gia và trong đề án chưa thấy nói đến việc làm thế nào để DN 100% vốn nhà nước vận hành như một DN CPH. Còn khi đã bán ít nhất một phần cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư đó ngồi trong hội đồng quản trị (HĐQT) và có thể có được một số quyền nhất định trong việc giám sát hoạt động, tham mưu, thay đổi cách quản trị của DNNN như thế nào? Điều này cần được quy định cụ thể.

PV: Theo quan sát của ông, có những khó khăn nào khi thực hiện giải pháp này hay không?

Ông Đinh Tuấn Minh: Theo tôi, cần hiểu cho đúng nội dung này của đề án: không phải DNNN chuyển sang mô hình CTCP mà niêm yết được luôn trên thị trường chứng khoán. DNNN có thể được đặt tên là CTCP và vận hành nó theo Luật DN như một CTCP. Để được niêm yết thì phải đợi ngày IPO (phát hành công khai lần đầu) bán cổ phần ra đại chúng. Giống như DN tư nhân, bản thân họ khi hoạt động dưới mô hình CTCP thì cổ phần đó đa số được nắm giữ bởi một số cổ đông lớn, khi được IPO sẽ định ra một mức giá ban đầu cho cổ phiếu đó và thị trường sẽ quyết định điều chỉnh.

Nhưng câu hỏi đặt ra là giá IPO đầu tiên làm thế nào để biết được giá đó là giá hợp lý, vì nó là tài sản quá lớn để định giá. Làm thế nào để DNNN đưa ra mức giá IPO hợp lý, nếu sau IPO vẫn có tình trạng hồi tố khi Nhà nước điều tra ra sai sót trong quá trình định giá khiến DNNN bị định giá quá thấp và hồi tố lại thì sẽ như thế nào, như trường hợp của SABECO thời gian qua? Các cổ đông có phải chịu sự hồi tố này hay không…? Đó là những câu hỏi đặt ra mà tôi cho rằng, đề án cần được làm rõ khi thực hiện.

PV: Ông có khuyến nghị gì cho việc thí điểm cổ phần hóa 2 bước này cũng như khuyến nghị giải pháp để chương trình cơ cấu lại DNNN hiệu quả hơn?

Ông Đinh Tuấn Minh: Tôi có một khuyến nghị chung để có thể đẩy mạnh CPH thì phải có quy định sao cho DNNN sau khi đã bán được một tỷ lệ cổ phần nhất định sẽ phải chuyển sang một cơ chế hoạt động, mà ở đó các cổ đông tư nhân sẽ chiếm vai trò quyết định trong việc điều hành DN và cổ đông nhà nước thì dần dần sẽ giảm vai trò điều hành.

Mặc dù Nhà nước vẫn chiếm cổ phần đa số, nhưng “ghế” trong HĐQT sẽ dần phải trao cho tư nhân nhiều hơn so với tỷ lệ cổ phần mà DN tư nhân nắm giữ. Nhà nước chỉ nên nắm giữ cổ phần ưu đãi, được hưởng cổ tức ưu tiên hoặc quyền phủ quyết nhưng không tham gia vào các quyết định điều hành DN. Tức là quyền của DNNN không nhất thiết phải tương ứng với lượng cổ phần mà Nhà nước nắm giữ ở CTCP mà phải có 1 cơ chế để chuyển nó sang khu vực tư nhân quản trị, nắm giữ điều hành càng nhanh càng tốt. Như vậy mới tạo ra được sự hấp dẫn, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược vào thay đổi thực chất quản trị của DNNN, chứ không phải chỉ là thay đổi về hình thức. Thực chất ở đây là những người nắm quyền quyết định phải là những người có quyền lợi sát sườn với tài sản của họ.

Bên cạnh đó, một yêu cầu, nguyên tắc bắt buộc là khi đã IPO thì không được phép hồi tố. Bởi một khi đã chấp nhận giá theo cơ chế thị trường thì rõ ràng phải tuân theo nguyên tắc không được hồi tố sau khi IPO và Nhà nước phải chấp nhận thiệt hại, bất kể như thế nào. Có như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư vào quá trình này và đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN.

PV: Xin cảm ơn ông!

Định giá tài sản vẫn là nút thắt

“Một trong những nguyên nhân chính khiến việc cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian qua chậm là do vướng mắc trong việc định giá tài sản của DNNN. Những người chịu trách nhiệm trong việc phê duyệt giá trị tài sản của DNNN có vẻ như còn “ngần ngại” vì để CPH được thì phải định giá được tài sản, sau đó sẽ phải tìm được các nhà đầu tư chiến lược bán một phần của tài sản nhà nước sang cho tư nhân. Nếu định giá cao quá thì tư nhân không mua, nếu định giá thấp thì gây thiệt hại cho Nhà nước và rất dễ bị xử lý trách nhiệm” - chuyên gia Đinh Tuấn Minh nhận định.


Luyện Vũ (thực hiện)

Luyện Vũ (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam