COVID-19 tới 6 giờ sáng 30/1: Thế giới trên 2,2 triệu ca tử vong; Kinh tế châu Âu chao đảo vì dịch

08:00 | 30/01/2021 Print
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 522.482 trường hợp mắc COVID-19 và 13.483 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã lên trên 102,5 triệu ca bệnh.

covid

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở tỉnh Aichi, Nhật Bản.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 30/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 102.540.571 ca, trong đó có 2.213.219 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 74.066.774 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 26.029.028 ca và 109.365 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 29/1, thế giới có tới 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 106 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình vaccine.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 26.394.476 ca nhiễm và 446.330 ca tử vong. Tiếp đó đến Ấn Độ với 10.720.971 ca nhiễm và 154.047 ca tử vong; Brazil với 9.060.786 ca nhiễm và 221.676 ca tử vong. Đặc biệt, với tổng cộng 155.145 ca tử vong do COVID-19, Mexico đã vượt Ấn Độ trở thành nước có số ca tử vong cao thứ ba thế giới sau Mỹ và Brazil.

Tại châu Âu, Anh đã bổ sung Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Burundi và Rwanda vào danh sách cấm đi lại của nước này nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Quy định này có hiệu lực từ 13 giời ngày 29/1 (giờ địa phương), theo đó, những người từng ở hoặc quá cảnh qua những nước này sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Anh.

Tuy nhiên, công dân Anh, Ireland và công dân nước thứ 3 có quyền cư trú vẫn được phép trở về Anh nhưng phải thực hiện tự cách ly 10 ngày tại nhà hoặc khách sạn. Quyết định trên được đưa ra sau khi có bằng chứng cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Nam Phi có thể đang lây lan ra những quốc gia khác, trong đó có UAE, Burundi và Rwanda.

Còn Bồ Đào Nha đã quyết định hạn chế công dân đi ra nước ngoài trong vòng hai tuần, bắt đầu từ ngày 31/1 tới sau khi ghi nhận số ca nhiễm và tử vong trong 24 giờ qua ở mức cao nhất từ trước đến nay (với 303 ca tử vong và 16.432 ca nhiễm).

Theo Bộ trưởng Nội vụ Eduardo Cabrita, trong hai tuần tới, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt, công dân Bồ Đào Nha sẽ bị hạn chế đi ra nước ngoài bằng đường không, đường bộ và đường biển. Bồ Đào Nha đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ hai từ ngày 15/1 vừa qua.

pháp
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 27/1/2021

Hy Lạp đã hoãn kế hoạch mở lại toàn bộ các trường phổ thông vào tháng tới sau khi số ca nhiễm mới tăng nhanh, đồng thời cho rằng các trường học đều nằm trong "vùng đỏ" có nguy cơ cao nên phải tiếp tục tổ chức học từ xa.

Tuần trước, Athens thông báo sẽ cho phép các trường phổ thông mở lại vào đầu tháng 2 sau hơn hai tháng đóng cửa, khi áp lực đối với hệ thống y tế công đã giảm nhẹ trong những tuần qua. Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, Thứ trưởng Giáo dục Hy Lạp Zeta Makri khẳng định các trường phổ thông sẽ vẫn tiếp tục tổ chức dạy học từ xa.

Trong khi đó, LB Nga đã quyết định nối lại các chuyến bay thương mại với Hy Lạp và Singapore, bắt đầu từ ngày 8/2 tới. Chính phủ Nga cho biết mỗi tuần sẽ có hai chuyến bay khởi hành từ Moskva đến Athens và 3 chuyến bay đến Singapore. Ngoài Moskva, các sân bay ở Astrakhan, Yekaterinburg, Irkutsk và Khabarovsk cũng sẽ nối lại một số chuyến bay quốc tế từ ngày 8/2.

Tại châu Á, chính quyền thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) kêu gọi người dân không rời thành phố và không đi du lịch nếu không cần thiết để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Cụ thể, theo quy định của thành phố Bắc Kinh, trong khoảng thời gian từ 18/1 – 15/3, những người từ các khu vực có nguy cơ thấp muốn vào thành phố phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2-2 trong vòng 7 ngày và giám sát cách ly 14 ngày tại nhà, trong 14 ngày cách ly sẽ tiến hành xét nghiệm axit nucleic hai lần.

Trong khi đó, người dân ở khu vực có nguy cơ cao hoặc những khu vực quản lý khép kín không được đến Bắc Kinh, trường hợp cần thiết phải được sự đồng ý của cơ quan phòng chống dịch địa phương và có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng 72 giờ. Những người nhập cảnh từ nơi khác sau 21 ngày có thể đến Bắc Kinh và tiếp tục theo dõi sức khỏe 7 ngày. Những trường hợp nhập cảnh đến Bắc Kinh chưa đủ 21 ngày sẽ tiếp tục cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà 7 ngày và theo dõi sức khỏe 7 ngày.

Tại Hàn Quốc, chính quyền thành phố Gwangju, Tây Nam Hàn Quốc, đã quyết định tạm cấm các hoạt động tại nhà thờ sau khi ghi nhận các ca nhiễm mới chủ yếu ở các cơ sở tôn giáo. Như vậy, việc cầu nguyện trực tiếp tại tất cả nhà thờ ở Gwangju sẽ bị cấm và chuyển sang hình thức trực tuyến trong vòng 12 ngày, bắt đầu từ ngày 30/1 đến ngày 10/2.

Mọi hoạt động tụ tập và các bữa ăn do các cơ sở tôn giáo chủ trì cũng sẽ tiếp tục bị cấm. Thống kê cho thấy trong tuần này thành phố Gwangju, cách thủ đô Seoul 330 km về phía Nam, đã ghi nhận 210 ca nhiễm liên quan đến nhà thờ, hầu hết liên quan đến hai trường truyền giáo không được cấp phép.

Ấn Độ quyết định gia hạn lệnh cấm các chuyến bay thương mại quốc tế đến và đi từ nước này cho đến ngày 28/2. Lệnh cấm này không ảnh hưởng đến các chuyến bay chở hàng cũng như các chuyến bay do Cơ quan hàng không dân dụng Ấn Độ chỉ định.

vaccxin
Vaccine phòng COVID-19 do công ty dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp phát triển.

Liên quan tới vaccine phòng COVID-19, Ủy ban châu Âu (EC) đang đàm phán với công ty dược phẩm Novavax của Mỹ về số lượng vaccine ngừa COVID-19 mà Liên minh châu Âu (EU) sẽ đặt mua. Ngoài ra, EU sẽ đặt hàng thêm vaccine của hãng dược Moderna cũng của Mỹ.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh công tác phân phối vaccine tại EU đang bị chậm trễ so với các nước những khu vực khác, một trong những nguyên nhân là tình trạng gián đoạn nguồn cung.

Hungary đã trở thành quốc gia đầu tiên trong EU cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc sản xuất. Trước đó, Chính phủ Hungary thông báo sẽ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào được tiêm cho ít nhất một triệu người ở mọi nơi trên thế giới. Mới đây, Hungary đã đạt thỏa thuận mua một số lượng lớn vaccine Sputnik V của Nga mặc dù vaccine này chưa được Cơ quan Quản lý dược phẩm của EU - EMA- thông qua.

Hãng dược Novartis của Thụy Sĩ đã ký một thỏa thuận sơ bộ về hỗ trợ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNtech trong bối cảnh thiếu nguồn cung.Tuyên bố của Novartis cho biết, theo thỏa thuận, Novartis sẽ sử dụng các cơ sở sản xuất vô trùng của hãng ở Stein, Thụy Sĩ, để sản xuất vaccine của Pfizer/BioNtech. Novartis có kế hoạch bắt đầu sản xuất vaccine vào quý II/2021.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 29/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 22.220 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 44.090 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận thêm 13.802 ca COVID-19 và 187 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.051.975 ca và 29.518 ca.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 95 người thiệt mạng. Sau mấy tuần hạ nhiệt, Philippines lại đứng trước lo ngại sóng dịch tái phát khi số ca tử vong tăng cao mấy ngày gần đây. Philippines cũng đứng thứ 2 châu Á về số ca tử vong ngày 29/1.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 5.725 ca bệnh mới, 16 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.

Nhà chức trách Myanmar trong 24 giờ qua chưa công bố số liệu dịch bệnh COVID-19 tại nước này. Như vậy, hết ngày 29/1, Myanmar có tổng cộng 139.152 người nhiễm virus SARS-Cov-2, trong đó có 3.103 người không qua khỏi.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 29/1 ghi nhận thêm 802 ca bệnh mới, song không có ca tử vong.

covid

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 44.097 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 251 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.995.178 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.682.203 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Brunei và Lào không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào./.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam