Tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác trong mua bán, xử lý nợ

10:43 | 25/06/2021 Print
(TBTCVN) - Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động song các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm và tìm cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực mua bán xử lý nợ tại Việt Nam vẫn được DATC thúc đẩy thông qua các hình thức phù hợp với bối cảnh "bình thường mới”.

9

Hội nghị trực tuyến trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam và các đối tác nước ngoài.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xử lý nợ

Mới đây, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã tổ chức hội thảo trực tuyến với sự tham gia của KAMCO (Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc), Công ty luật Lee&Ko, Công ty đầu tư Rainbow Capital Partners. Nội dung xoay quanh các vấn đề về bài học kinh nghiệm từ phương pháp xử lý nợ xấu của KAMCO sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á; tính khả thi về mặt pháp lý với đầu tư xử lý nợ tại Việt Nam; tăng cường cơ chế và phát triển thị trường nợ xấu ở Việt Nam và những đề xuất hợp tác xử lý nợ giữa DATC và KAMCO.

KAMCO mong muốn hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam


Qua hội thảo, KAMCO mong muốn thực hiện hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam mua bán, xử lý nợ tái cơ cấu doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam. Tuy còn có nhiều khó khăn và thách thức nhưng 2 bên sẽ nỗ lực tìm kiếm phương án phù hợp để thí điểm thực hiện hợp tác đầu tư. Đây sẽ là tiền đề thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mua bán xử lý nợ tại Việt Nam, một mặt tăng cường nguồn lực tài chính, mặt khác là cách tiếp cận thực tế và kết quả các phương thức đầu tư, xử lý nợ tiên tiến của các quốc gia đã thành công trong lĩnh vực này như Hàn Quốc.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe ông Han Sol Jang, quản lý cấp cao của KAMCO đã thuyết trình về những kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực mua bán xử lý nợ tại Hàn Quốc. KAMCO được đánh giá là một trong những công ty xử lý nợ thành công nhất ở châu Á. 8 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, KAMCO đã khôi phục gần 95% số tiền mà các quỹ công đã bơm vào các doanh nghiệp gặp khó khăn sau khủng hoảng tài chính. Đồng thời, KAMCO cũng đã có được 7.200 tỷ Won lợi nhuận. Các tổ chức tài chính Hàn Quốc cũng hồi phục được doanh thu, tỷ lệ nợ xấu thấp.

Một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, thành công trong giải quyết nợ xấu tại Hàn Quốc phần lớn là nhờ việc thành lập KAMCO đã dẫn tới hình thành được một thị trường cho nợ xấu. KAMCO đã đóng vai trò như một tổ chức tạo lập thị trường, kết nối giữa người bán và các nhà đầu tư mua nợ xấu. Hơn hết, KAMCO đã thuyết phục thành công các nhà đầu tư quốc tế quan tâm tới thị trường Hàn Quốc, từ đó khuyến khích thêm các nhà đầu tư Hàn Quốc.

So sánh với kinh nghiệm ở một số nước châu Á khác là Trung Quốc và Mông Cổ, chuyên gia của KAMCO cho biết, hoạt động kinh doanh nợ xấu ở Trung Quốc diễn ra sôi động không phải vì khung pháp lý tiên tiến mà vì cơ sở hạ tầng thị trường mạnh mẽ. Thông qua cơ sở hạ tầng thị trường mạnh mẽ và các kỹ năng kinh doanh độc đáo, Trung Quốc đã khắc phục được những thiếu sót về thể chế. Trong khi đó, Mông Cổ đặt ra chiến lược dài hạn để giải quyết nợ xấu, đặc biệt tập trung vào việc cải thiện khung pháp lý. Tuy nhiên, hợp tác với các cơ quan chính phủ và các cơ quan khác nhau là nhiệm vụ đầy thách thức.

Thị trường mua bán nợ Việt Nam còn sơ khai

Chia sẻ về thực tiễn tại Việt Nam, ông Dương Thanh Hiền - Phó Tổng giám đốc DATC cho biết, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cân bằng trên cả hai lĩnh vực là cải thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường cơ chế xử lý và phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam với sự dẫn dắt của 2 doanh nghiệp nhà nước mạnh là DATC và VAMC.

Từ khi Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được ban hành đến nay, đã có gần 150 doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực mua bán xử lý nợ xấu được thành lập nhưng quy mô đều rất nhỏ. Các ngân hàng thương mại đã tự thành lập bộ phận AMC để xử lý nợ. Năm 2017, sau Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Việt Nam cũng tiếp tục có những bước tiến trong cải cách pháp luật. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 129/2020/NĐ-CP ngày 27/10/2020 với nhiều điểm mới khi mở rộng phạm vi hoạt động và cơ chế hoạt động cho DATC, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay trên thị trường mua bán nợ. Phạm vi hoạt động của DATC theo đó được mở rộng thêm ở nhiều khía cạnh. Tiếp đó, Thông tư số 42/2021/TT-BTC về điều lệ tổ chức và hoạt động của DATC cũng được ban hành ngày 4/6/2021.

Tuy nhiên, lãnh đạo DATC cũng đánh giá thị trường mua bán xử lý nợ ở Việt Nam đang hình thành, song tỷ lệ xử lý nợ trong nền kinh tế còn quá nhỏ so với tổng dư nợ trong nền kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó áp lực nợ xấu trong năm 2021 và sau đó vẫn rất lớn do hiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Thực tế, số nợ xấu hiện nay của các ngân hàng chưa được phản ánh hết do khá nhiều khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và mới đây là Thông tư 03/2021/TT-NHNN, dù về bản chất đã là nợ xấu.

Thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán nợ

Trong bối cảnh đó, thúc đẩy hợp tác, thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán xử lý nợ tại Việt Nam là giải pháp hiệu quả, bền vững cho thị trường tài chính được các chuyên gia khuyến nghị. Trước đây, DATC đã cùng Daishin F&I Co., LTD và Clearwater Capital Partner Fund II hợp tác theo hình thức hợp đồng BCC để thực hiện mua, xử lý nợ tái cơ cấu tại Công ty Công nghiệp TS-ARI.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Dương Thanh Hiền đã chỉ ra một số khó khăn, bất cập về chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Đó là hành lang pháp lý cho phát triển thị trường mua bán nợ còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường, chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ làm cơ sở cho các tổ chức thẩm định giá thực hiện. Sự phối hợp của các đơn vị liên quan trong việc xử lý nợ xấu đôi khi còn chưa đồng bộ và thống nhất. Đặc biệt, hình thức đầu tư mua bán xử lý nợ tại Việt Nam chưa được linh hoạt.

Qua phân tích, thảo luận, các chuyên gia tại hội thảo đề xuất cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện, thành lập Hiệp hội các AMC nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, minh bạch thông tin về hàng hóa (nợ xấu và tài sản bảo đảm)… Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, tham gia thị trường mua bán nợ.

Củng cố vai trò dẫn dắt của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam trên thị trường mua bán nợ


Khi Nghị định 129 được ban hành, cơ chế mua bán, xử lý nợ của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã được củng cố, bổ sung các nội dung hỗ trợ hoạt động kinh doanh của công ty được hiệu quả hơn như: DATC được cung cấp tài chính từ nguồn vốn kinh doanh của DATC; cơ chế xử lý thu hồi vốn hình thành từ hoạt động chuyển nợ thành vốn góp; cơ chế xử lý thu hồi vốn hình thành từ chuyển nhượng vốn kèm nợ phải thu... Phạm vi, cơ chế hoạt động mới tại nghị định sẽ tạo thuận lợi cho DATC phát huy vai trò, thế mạnh của mình trong mua bán, xử lý nợ và tái cơ cấu DN.

Được biết, DATC đang tiếp tục hoàn thiện các thông tư hướng dẫn đi kèm Nghị định 129/2020/NĐ-CP, đồng thời nghiên cứu, đề xuất thêm các cơ chế, chính sách mới hỗ trợ các hoạt động kinh doanh của công ty.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam