Thuận lợi trong giao dịch nhờ giảm nhiều bước luân chuyển chứng từ

10:34 | 19/06/2021 Print
(TBTCVN) - Mô hình giao dịch viên chuyên sâu được Kho bạc Nhà nước triển khai thực hiện tại các Kho bạc cấp tỉnh từ tháng 7/2020 nhằm chuyên môn hóa hoạt động giao dịch chi ngân sách nhà nước, phục vụ nhu cầu chi thường xuyên và chi đầu tư cho các đơn vị thụ hưởng.

Kho bạc nhà nước Cầu Giấy

Kho bạc nhà nước Cầu Giấy thực hiện kiểm soát hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn ngân sách (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19). Ảnh: Đặng Việt

Sau gần 1 năm triển khai, mô hình đã mang lại nhiều thuận lợi cho Kho bạc cũng như đơn vị giao dịch, đồng thời khẳng định các bước cải cách của Kho bạc Nhà nước đang đi đúng hướng, đúng mục tiêu xây dựng kho bạc phục vụ, hướng đến khách hàng.

Giảm quy trình, giảm con người

Mô hình giao dịch viên chuyên sâu được Kho bạc Nhà nước (KBNN) đúc kết từ kết quả gần 3 năm thực hiện Đề án thống nhất đầu mối kiểm soát chi (1/10/2017-30/6/2020). Với mô hình này, giao dịch viên phòng Kiểm soát chi (KSC), phòng Kế toán nhà nước (KTNN) thuộc KBNN tỉnh thực hiện tất cả các khâu của quy trình kiểm soát thanh toán, từ tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát cam kết chi, kiểm soát chi, hạch toán kế toán, thanh toán, trả kết quả và lưu hồ sơ của các đơn vị giao dịch.

Qua ghi nhận từ các KBNN cấp tỉnh cho thấy, mô hình đã mang lại nhiều ưu điểm nổi bật, thể hiện rõ sự kế thừa và phát triển từ kết quả thực hiện Đề án thống nhất đầu mối kiểm soát chi.

Bà Nguyễn Thị Bắc Hà - Trưởng phòng Kiểm soát chi - KBNN Ninh Thuận cho biết, thực hiện mô hình giao dịch viên chuyên sâu, quy trình tiếp nhận, xử lý chứng từ, hồ sơ được tinh gọn, giảm bớt chữ ký trên chứng từ, rút ngắn thời gian kiểm soát. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phòng KSC và phòng KTNN sẽ thực hiện kiểm soát chứng từ chi thường xuyên, chi đầu tư theo quy trình độc lập “từ A đến Z”. Do đó không còn tình trạng chứng từ đã hoàn thành khâu kiểm soát chi phải thực hiện luân chuyển sang phòng KTNN chờ thanh toán, chuyển trả cho đơn vị thụ hưởng.

Thực hiện mô hình giao dịch viên chuyên sâu, quy trình tiếp nhận, xử lý chứng từ, hồ sơ được tinh gọn, giảm bớt chữ ký trên chứng từ, rút ngắn thời gian kiểm soát. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phòng kiểm soát chi và phòng kế toán nhà nước (KTNN) sẽ thực hiện kiểm soát chứng từ chi thường xuyên, chi đầu tư theo quy trình độc lập “từ A đến Z”. Do đó không còn tình trạng chứng từ đã hoàn thành khâu kiểm soát chi phải thực hiện luân chuyển sang phòng KTNN chờ thanh toán, chuyển trả cho đơn vị thụ hưởng.

Nói về những ưu điểm của mô hình giao dịch viên chuyên sâu, ông Ngô Hải Trường, Phó Giám đốc KBNN Hải Phòng cũng cho biết, mô hình đã tạo được sự thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ KSC của KBNN cấp tỉnh và KBNN cấp huyện. Đặc biệt ông Trường nhấn mạnh đến việc hồ sơ, chứng từ được xử lý qua 3 bước, giảm 2 bước so với trước đây, do đó chỉ có 3 công chức tham gia vào quy trình kiểm soát, riêng đối với chi tiền mặt tại Kho bạc có thêm sự tham gia của thủ quỹ. Như vậy, quy trình KSC đã giảm được 2 công chức so với trước đây.

Ngoài ra, cũng theo ghi nhận từ các KBNN địa phương, thực hiện mô hình giao dịch viên chuyên sâu, đội ngũ công chức làm công tác chuyên môn có nhiều thời gian và nhiều điều kiện tìm tòi, nghiên cứu, nâng cao trình độ để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Đồng thời, kỹ năng tác nghiệp trên các phần mềm tin học ứng dụng cũng được các công chức trau dồi góp phần đẩy mạnh việc giao dịch trên Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), góp phần công khai minh bạch nguồn ngân quỹ nhà nước. Từ DVCTT, các đơn vị giao dịch có thể giám sát được quy trình từ khâu tiếp nhận, xử lý đến trả kết quả giải quyết hồ sơ chứng từ của KBNN, không còn tình trạng hồ sơ chứng từ chậm giải quyết mà không có lý do.

Bước cải cách hài lòng đơn vị giao dịch

Mô hình giao dịch viên chuyên sâu đã được triển khai tại các KBNN cấp tỉnh đến nay đã được gần 1 năm. Theo đánh giá từ các đơn vị KBNN, mô hình đã đáp ứng được yêu cầu về “giao dịch một cửa” trong hoạt động nghiệp vụ của KBNN, phù hợp với điều kiện thực tế của KBNN cấp tỉnh hiện nay.

Theo báo cáo từ KBNN Hải Phòng, từ tháng 7/2020 đến nay, phòng KSC đã thực hiện kiểm soát 3.656 hồ sơ theo mô hình giao dịch viên chuyên sâu, phòng KTNN kiểm soát 37.737 hồ sơ. Đặc biệt, trong các thời gian cao điểm như ngày 31/12 và 31/1 (ngày khóa sổ quyết toán đối với chi thường xuyên và chi đầu tư), các chương trình ứng dụng tuy có chạy chậm hơn nhưng về cơ bản vẫn đáp ứng được yêu cầu giao dịch, đảm bảo xử lý hết các hồ sơ chứng từ của đơn vị giao dịch.

Tại KBNN Ninh Thuận, sau gần 1 năm thực hiện mô hình giao dịch viên chuyên sâu, đến nay, các giao dịch viên đã tác nghiệp thuần thục trên Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) cũng như các chương trình ứng dụng liên quan nên đã giảm áp lực cho công tác kiểm soát, thanh toán nguồn vốn NSNN vào cuối năm.

Bà Nguyễn Thị Bắc Hà cho biết, 100% hồ sơ, chứng từ được KBNN Ninh Thuận tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng hạn và trước hạn, do đó không có hồ sơ trễ hạn do nguyên nhân chủ quan từ phía kho bạc. “Với kết quả đạt được, KBNN Ninh Thuận đã và đang tiếp tục tạo được uy tín với địa phương cũng như nhận được sự phản hồi tích cực từ phía các đơn vị giao dịch”, bà Hà chia sẻ.

Cũng báo cáo từ KBNN Ninh Thuận, qua khảo sát sự hài lòng của khách hàng năm 2020, đã có trên 99% đơn vị giao dịch đánh giá mức độ hài lòng trở lên đối với chất lượng phục vụ của kho bạc. Đồng thời, qua công tác tự kiểm tra cũng cho thấy tỷ lệ sai sót trong nghiệp vụ đã giảm so với trước đây, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của kho bạc, tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị giao dịch đối với hệ thống KBNN.

Tuy nhiên trong thời gian tới, với chiến lược phát triển Kho bạc số cũng như để mô hình giao dịch viên chuyên sâu phát huy tối đa tác dụng, các KBNN cấp tỉnh đã đưa ra một số kiến nghị về việc tiếp tục hoàn thiện DVCTT.

Theo đó, KBNN cần phân quyền cho KBNN cấp tỉnh chủ động phân luồng công việc trên DVCTT trên cơ sở phân công công việc của giám đốc KBNN tỉnh cho các phòng KSC, KTNN bảo đảm theo các quy định hiện hành. Đồng thời, KBNN nâng cấp DVCTT bảo đảm cho đơn vị giao dịch kê khai và gửi hồ sơ, chứng từ lĩnh vực chi đầu tư bằng phương thức giao dịch trực tuyến trên DVCTT; giao diện được chứng từ dịch vụ công có cam kết chi.

Đặc biệt, theo các KBNN cấp tỉnh, KBNN cần xây dựng giải pháp liên thông giữa các chương trình ứng dụng để giảm thiểu các thao tác của giao dịch viên, kế toán trưởng, lãnh đạo kho bạc. Hạn chế tối đa các sai sót trong khâu giao diện giữa các ứng dụng, tiến tới thực hiện KSC tự động một số nội dung chi thường xuyên.

Về phía các công chức tham gia mô hình giao dịch viên chuyên sâu cần thực hiện nghiêm quy trình nghiệp vụ, tích cực học tập, nghiên cứu văn bản chế độ mới liên quan đến nghiệp vụ KSC. Đối với những giao dịch viên, ủy quyền kế toán trưởng chưa có chứng chỉ kế toán cần tự học hỏi, tự hoàn thiện các tiêu chuẩn theo vị trí việc làm. Tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản chế độ mới đến các đơn vị sử dụng ngân sách để thực hiện đúng.

Công tác bảo mật dữ liệu luôn được đảm bảo

Thực hiện mô hình giao dịch viên chuyên sâu, tại các kho bạc nhà nước (KBNN) cấp tỉnh, phòng kiểm soát chi và phòng Kế toán nhà nước đều thực hiện quy trình kiểm soát trên cùng một ứng dụng như Tabmis, thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương… dẫn đến việc quản lý dữ liệu của chương trình rất khó khăn, đòi hỏi sự bao quát, trách nhiệm cao của kế toán trưởng đơn vị. Việc cùng một lúc vào thao tác trên nhiều chương trình ứng dụng để xử lý một hồ sơ cũng gây khó khăn cho các giao dịch viên…

Do đó, theo các KBNN cấp tỉnh, KBNN cần thường xuyên cập nhật, bổ sung, sửa đổi lỗi của các chương trình ứng dụng phát sinh trong quá trình tác nghiệp, nâng cao hiệu năng các chương trình ứng dụng, đảm bảo sự ổn định của các ứng dụng. Đặc biệt là phải bảo mật dữ liệu của từng ứng dụng cũng như có phương án dự phòng để thực hiện kiểm soát, thanh toán, khai thác dữ liệu khi các ứng dụng bị sự cố kỹ thuật.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam