Covid-19 có thể khiến gia tăng bất bình đẳng về kinh tế

15:06 | 29/01/2021 Print
(TBTCVN) - Trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN, bà Charlotte Becker - Trưởng Ban Quan hệ đối ngoại và sự kiện, Chiến dịch Bất bình đẳng của Oxfam toàn cầu cho rằng,nếu các chính phủ đặt vấn đề giải quyết bất bình đẳng vào trọng tâm của các nỗ lực giải cứu và phục hồi kinh tế...

in

Infographic: TL

PV: Tại Diễn đàn kinh tế Thế giới trực tuyến “Đối thoại Davos” mới diễn ra, Oxfam đã công bố báo cáo “Virus bất bình đẳng” về tình hình phục hồi kinh tế ở các nước trong bối cảnh của Covid-19, trong đó nhấn mạnh tới yếu tố bất bình đẳng kinh tế do đại dịch gây ra ở hầu hết các quốc gia. Bà có thể chia sẻ một số phát hiện mới từ báo cáo này?

Bà Charlotte Becker: Những phát hiện chính trong báo cáo là: Covid-19 có thể dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng kinh tế ở hầu hết các quốc gia.

hal
Bà Charlotte Becker

Ở mọi quốc gia, những người nghèo nhất trong xã hội bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, đặc biệt là phụ nữ, nhóm bị phân biệt chủng tộc và dân tộc thiểu số. Phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn trong các ngành nghề trả lương thấp và bấp bênh - những nghề vốn chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19. Họ cũng chiếm phần lớn lao động trong lĩnh vực chăm sóc xã hội và y tế khiến họ có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn.

Tuy nhiên, 10 người giàu nhất hành tinh đã tăng tài sản của họ lên 500 tỷ USD kể từ khi đại dịch bắt đầu - quá đủ để trả tiền mua vắc-xin Covid-19 cho tất cả mọi người và để đảm bảo rằng không ai bị đẩy vào cảnh nghèo đói bởi đại dịch. Những người giàu có này đã được hưởng lợi từ các khoản cứu trợ của chính phủ và họ được bảo vệ bởi các chính sách kinh tế. Họ không phải trả phần thuế mà đáng lẽ ra họ phải đóng, trả cho người lao động một mức lương tương xứng hoặc cạnh tranh trên bình diện chung.

Nếu các chính phủ đặt vấn đề giải quyết bất bình đẳng làm trọng tâm của các nỗ lực giải cứu và phục hồi kinh tế, họ có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng này nhanh hơn cho tất cả mọi người. Ví dụ, nếu đánh thuế tạm thời lên phần siêu lợi nhuận của 32 tập đoàn toàn cầu thu lợi nhiều nhất trong đại dịch, thì có thể đã huy động được 104 tỷ USD trong năm 2020. Số tiền này đủ để chi trả trợ cấp thất nghiệp cho tất cả người lao động và hỗ trợ tài chính cho toàn bộ trẻ nhỏ, người già ở những quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

PV: Trong bối cảnh Covid-19 thì sự phục hồi kinh tế giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển có sự khác biệt lớn nào, thưa bà?

Bà Charlotte Becker: Đại dịch đã có tác động tàn khốc ở các quốc gia trên thế giới, nhưng các quốc gia giàu có hơn có nhiều nguồn lực hơn để giải quyết các tác động kinh tế và y tế của đại dịch. Có nguồn lực tài chính dồi dào nên các nước giàu nhanh chóng triển khai vắc-xin giúp họ có nhiều khả năng phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, những khác biệt này không chỉ rõ ràng ở cấp độ quốc gia - trong các quốc gia, các cộng đồng nghèo nhất bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi. Nghiên cứu của Oxfam cho thấy rằng, mặc dù 1.000 người giàu nhất hành tinh đã bù đắp được tổn thất Covid-19 của họ trong vòng chưa đầy 9 tháng, nhưng những người nghèo nhất thế giới có thể mất hơn một thập kỷ để phục hồi sau những tác động kinh tế của đại dịch.

PV: Hiện nay, sự phát triển của Covid-19 và tác động của nó đối với nền kinh tế của các nước đang phát triển vẫn chưa chắc chắn. Oxfam có khuyến nghị gì đối với sự phục hồi kinh tế của các nước này?

Bà Charlotte Becker: Một thách thức quan trọng đối với các nước đang phát triển là thiếu nguồn lực - đó là lý do tại sao Oxfam kêu gọi các nước giàu xóa nợ cho các nước nghèo, thực hiện cam kết trong vòng 50 năm, dành 0,7% thu nhập quốc gia của họ cho viện trợ quốc tế và kêu gọi hỗ trợ để IMF phát hành 3 nghìn tỷ USD “Quyền rút vốn đặc biệt” (dự trữ ngoại hối bổ sung).

Các chính phủ cũng phải đảm bảo các cá nhân và tập đoàn giàu có trả phần thuế công bằng của họ - ví dụ như Argentina đã bỏ phiếu thông qua việc đánh thuế tài sản đoàn kết tạm thời đối với những người cực kỳ giàu có, có thể tạo ra hơn 3 tỷ USD để chi trả cho các biện pháp chống dịch, bao gồm vật tư y tế và cứu trợ cho những người thuộc hộ nghèo và doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Oxfam đang kêu gọi chính phủ của tất cả các quốc gia - giàu và nghèo - đặt việc chống bất bình đẳng vào trọng tâm của các gói giải cứu và phục hồi kinh tế của họ. Điều này có nghĩa là các chính phủ phải đảm bảo mọi người đều được tiếp cận với vắc-xin Covid-19 và hỗ trợ tài chính nếu họ bị mất thu nhập. Họ phải đầu tư vào các dịch vụ công và các lĩnh vực các-bon thấp để tạo ra hàng triệu việc làm mới và đảm bảo mọi người đều được tiếp cận với nền giáo dục, y tế và chăm sóc xã hội có chất lượng, đồng thời họ phải đảm bảo các cá nhân và tập đoàn giàu nhất đóng góp phần thuế công bằng của họ để trả cho nó.

PV: Xin cảm ơn bà!

Các quốc gia cần định hình lại nền kinh tế đối phó dịch bệnh

Theo Oxfam, đại dịch là cơ hội để chúng ta nhận ra những gì thực sự quan trọng - sức khỏe và hạnh phúc cho tất cả mọi người cũng như những giới hạn của hành tinh này. Tiếng nói và phúc lợi của mỗi người dân cần được đảm bảo và việc sử dụng tài nguyên không ảnh hưởng đến sinh kế của các thế hệ tương lai. Báo cáo khuyến nghị tất cả các chính phủ nên vượt ra khỏi sự phát triển xoay quanh chỉ số GDP, thay vào đó định hình lại nền kinh tế, tập trung vào các mục tiêu mang lại phúc lợi bình đẳng cho tất cả người dân và giảm phát thải khí nhà kính.

Luyện Vũ (thực hiện)

Luyện Vũ (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam