34 bộ và 36 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn

10:42 | 17/06/2021 Print
Đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được 100% các báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 các bộ, ngành, địa phương. Trong số này, có 34 bộ và 36 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

dự án

Hoàn thành phân bổ vốn sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, tránh để tình trạng "tiền chờ công trình". Ảnh TL.

Đã phân bổ 98,95% kế hoạch vốn

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 là hơn 600 nghìn tỷ đồng (đã bao gồm 16.000 tỷ kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Thủ tướng Chính phủ giao).

Cụ thể như sau: Kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang là hơn 74 nghìn tỷ đồng; kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2021 là hơn 526 nghìn tỷ đồng. Cả hai nguồn vốn này đều đã bao gồm 16.000 tỷ kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong số vốn hơn 526 nghìn tỷ đồng, gồm: kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ đã giao là hơn 461 nghìn tỷ đồng và kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2021 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (theo số liệu cập nhật đến thời điểm báo cáo) là hơn 49 nghìn tỷ đồng.

Kế hoạch vốn chưa được Thủ tướng Chính phủ giao là (vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG)) là 16.000 tỷ đồng (vốn trong nước) do hiện nay Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025 chưa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Chương trình MTQG Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình.

Về tình hình triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định các bộ, ngành, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải phân bổ chi tiết danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới trước ngày 31/12/2020, gửi phương án phân bổ chi tiết cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 10/01/2021.

Đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã nhận được đầy đủ báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 của 50/50 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2021, có 34 bộ và 36 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Sau khi nhận được báo cáo phân bổ vốn của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã rà soát và có ý kiến đối với các trường hợp phân bổ vốn không đúng quy định và đề nghị các bộ, địa phương rà soát, phân bổ vốn đảm bảo theo đúng quy định Luật Đầu tư công và Quyết định số 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng số vốn phân bổ đã đạt 98,95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (461.300 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 49 nghìn tỷ đồng.

Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối NSĐP các địa phương giao tăng như trên thì tổng số vốn đã phân bổ là 407.423,54 tỷ đồng, đạt 88,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao). Trong đó đáng chú ý, vốn ngân sách trung ương đạt gần 83%, vốn NSĐP đạt 111,99% kế hoạch giao.

Chưa phân bổ do dự án chưa có trong kế hoạch đầu tư công

Tuy nhiên, tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là hơn 53,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó phần nhiều là vốn trong nước chưa phân bổ.

Theo Bộ Tài chính, 34 bộ và 36 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao là do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới năm 2021. Đó là do các dự án này chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (chưa đủ điều kiện bố trí vốn kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN năm 2021 theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ cho các dự án, nhiệm vụ quy hoạch chưa đủ thủ tục; các dự án ODA chưa ký hiệp định hoặc đang điều chỉnh hiệp định; các dự án có thời gian bố trí vốn quá thời gian so với quy định (nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm).

Riêng đối với các dự án bố trí vốn quá thời gian quy định, tại công văn số 3678/VPCP-KTTH ngày 2/6/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc bố trí vốn NSTW năm 2021 cho các dự án đã bố trí vốn quá thời hạn quy định; kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn các dự án thuộc kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2019 sang năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chấp thuận chủ trương cho phép bố trí kế hoạch năm 2021 cho các dự án và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho các bộ, cơ quan, địa phương danh mục các dự án.

Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, có 43/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối NSĐP tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn 15/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương, trong đó, một số địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: An Giang (43,33%), Cần Thơ (40,55%)./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam