Đồng bộ nhiều giải pháp tài chính - ngân sách cuối năm 2021

14:39 | 16/06/2021 Print
Chính phủ vừa yêu cầu cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại năm 2021. Do đó, Bộ Tài chính đề ra nhiều giải pháp, phấn đấu thu đạt dự toán, chi chặt chẽ tiết kiệm, đảm bảo nguồn mua vắc-xin và phòng chống Covid-19.

covid

Bộ Tài chính đề ra các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn lực mua vắc-xin phòng Covid-19 cho khoảng 80% dân số. Ảnh: TL.

Phấn đấu thu đạt dự toán, chi chặt chẽ tiết kiệm

Trong điều kiện thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 còn gặp nhiều khó khăn do các hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19.

Đặc biệt là từ cuối tháng 4, dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4 tại nước ta trên diện rộng và với mức độ nghiêm trọng hơn và do việc tiếp tục kéo dài các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; trong khi đó, phải tăng chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo đủ nguồn lực mua vắc-xin để tiêm phòng cho khoảng 80% dân số, nên thu ngân sách càng gặp khó khăn.

Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột xuất khác.

Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch của các bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, kinh phí hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.

Để đảm bảo cân đối NSNN năm 2021, trên cơ sở kết quả đã đạt được, trong 6 tháng còn lại của năm, Bộ Tài chính tiếp tục áp dụng các giải pháp đã phát huy tác dụng tốt trong năm 2020 và đề ra giải pháp đảm bảo nguồn lực mua vắc-xin phòng Covid-19 cho khoảng 80% dân số. Theo đó tập trung vào việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Về thu NSNN, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2021; tăng cường công tác quản lý thu, thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; chống chuyển giá, trốn lậu thuế; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN năm 2021.

Về chi NSNN, tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm; tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; đồng thời, chưa thực hiện điều chỉnh tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang nhân dân nhằm chia sẻ khó khăn với Chính phủ.

Địa phương chủ động, giãn các nhiệm vụ chi chưa cần thiết

Bên cạnh đó, thực hiện thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30/6/2021 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ mà chưa triển khai thực hiện (chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu) và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với kinh phí chi thường xuyên các chương trình mục tiêu đã bố trí trong dự toán NSNN năm 2021 (trong tổng số 12,5 nghìn tỷ đồng bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu), rà soát để lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, số còn lại sẽ cắt giảm chi tương ứng.

Đối với ngân sách địa phương (NSĐP), Bộ Tài chính yêu cầu UBND các tỉnh chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Trong đó, các địa phương chủ động đảm bảo nguồn NSĐP (bao gồm cả nguồn cải cách tiền lương còn dư theo quy định) và sử dụng nguồn NSTW bổ sung (nếu có) để thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; không để phát sinh tình trạng chậm, muộn, nợ chế độ, chính sách trên địa bàn.

Trong trường hợp dự kiến thu NSĐP giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao trong khi vẫn phải chi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, địa phương phải chủ động xây dựng phương án điều hành sử dụng các nguồn lực của mình (nguồn dự phòng, Quỹ dự trữ tài chính, nguồn kết dư NSĐP, tăng thu năm 2020 được chuyển nguồn sang năm 2021 và các nguồn lực tài chính hợp pháp khác) theo quy định để đảm bảo cân đối NSĐP.

Về đảm bảo nguồn mua vắc xin phòng Covid-19, thời gian tới, các đơn vị tiếp tục chủ động cân đối, đảm bảo đầy đủ nguồn lực NSNN, huy động các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước để mua vắc-xin và cho các hoạt động phòng chống Covid-19.

Cùng với đó, nguồn lực dự trữ quốc gia cần được tăng cường để ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, cấp bách, thiên tai, dịch bệnh, phòng chống biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Trong bối cảnh còn khó khăn, những tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, vừa phấn đấu thu ngân sách đạt dự toán đề ra, vừa trình các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Với kết quả thực hiện thu, chi NSNN 5 tháng, Bộ Tài chính ước thực hiện thu NSNN tháng 6 ước đạt 77 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu ngân sách 6 tháng ước đạt xấp xỉ 745 nghìn tỷ đồng, bằng 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019.

Chi NSNN 6 tháng ước đạt 725 nghìn tỷ đồng, bằng 43% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 34,1% dự toán. Riêng tiến độ giải ngân vốn 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao./.

Kim Cúc

Kim Cúc

© Thời báo Tài chính Việt Nam