Chính sách tài khóa chủ động, tích cực hỗ trợ ứng phó dịch bệnh

23:42 | 15/06/2021 Print
(TBTCVN) - Sáng 15/6, tại phiên họp thứ 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp 6 tháng cuối năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp.

Gia hạn, miễn giảm 23,46 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí

Báo cáo về tình hình ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thu ngân sách tháng 5/2021 đạt 98,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 5 tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2020. Thực hiện chi tháng 5/2021 đạt 125,8 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 5 tháng đạt 34,5% dự toán. Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định xuất cấp 14,6 nghìn tấn gạo và vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia để hỗ trợ một số địa phương cứu đói cho người dân và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) 5 tháng có thặng dư.

Với thực tế hiện nay, dự báo tình hình NSNN 6 tháng, thu NSNN ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Chi NSNN ước thực hiện 6 tháng đạt 43% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 34,1%, chi trả nợ lãi ước đạt 51,6%, chi thường xuyên ước đạt 48,5%. Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch, trong đó, vốn ngoài nước ước đạt xấp xỉ 18,4%, vốn trong nước ước đạt 37,5%.

Đánh giá về những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết công tác điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19. Cụ thể là: cho phép tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp; tiếp tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay đến hết năm 2021; miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí trong năm 2021… Trong 5 tháng đầu năm đã gia hạn 21 nghìn tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm 2,46 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí; qua đó giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn.

Đồng thời, chủ động đảm bảo kinh phí cho các nhiệm vụ chính trị quan trọng và công tác phòng chống dịch Covid-19. Thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 để huy động nguồn đóng góp tự nguyện, cùng với NSNN đẩy nhanh tiến độ mua và tiêm chủng vắc- xin cho người dân. Việc quản lý chi tiêu thường xuyên đảm bảo chặt chẽ, triệt để tiết kiệm ngay từ dự toán đầu năm. Chủ động điều hành phát hành trái phiếu chính phủ phù hợp với tiến độ thu chi NSNN, tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững…

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng báo cáo rõ về một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tài chính ngân sách như: một số khoản thu đạt thấp, thu từ hoạt động sắp xếp lại DNNN hiện rất khó khăn, số nợ thuế của doanh nghiệp có xu hướng tăng. Công tác triển khai phân bổ ngân sách, kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương còn chậm. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước…

Thu ngân sách 6 tháng ước trên 55% dự toán là cố gắng, nỗ lực lớn

Thẩm tra các nội dung này, Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) đánh giá trong điều kiện thực hiện “mục tiêu kép”, tổng thu NSNN 6 tháng ước đạt trên 55% dự toán đã cho thấy sự cố gắng, nỗ lực lớn của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Số thu nội địa 6 tháng ước đạt 53,5% dự toán, tiến độ các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của 3 khu vực kinh tế đều tăng hai con số và cao hơn cùng kỳ năm trước. Thu cân đối từ xuất, nhập khẩu dự báo 6 tháng đạt 66,1% dự toán, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đạt được kết quả trên là do Chính phủ đã kịp thời chủ động thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong năm 2021 như: tiếp tục gia hạn chính sách miễn, giảm nhiều loại phí, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất,..

Ngoài ra, UBTCNS cũng lưu ý một số vấn đề nổi lên như công tác đánh giá, dự báo kết quả thu NSNN; thu từ cổ phần hóa đạt thấp; tình trạng nợ đọng thuế tăng; việc triển khai phân bổ ngân sách còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp, nhất là vốn ngoài nước…

Từ nay đến cuối năm 2021, UBTCNS cơ bản thống nhất với các giải pháp điều hành thu - chi của Chính phủ. Theo báo cáo của Chính phủ, bên cạnh các giải pháp như kiên định thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án về tài chính ngân sách..., Chính phủ cũng tập trung tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai...

Cần báo cáo cụ thể về việc triển khai các chính sách, hỗ trợ

Cho ý kiến tại phiên họp, một trong những vấn đề được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh là phải có báo cáo cụ thể về việc triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ trước khi xem xét, ban hành chính sách mới. Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều chính sách đang thực thi rất tốt như việc miễn giảm, giãn, hoãn thuế đi vào cuộc sống rất tốt. Việc miễn thuế trước bạ, dù giảm thuế nhưng lại tăng thu nhờ khuyến khích tuyên dùng. Tuy nhiên, vẫn nhiều chính sách không tiếp cận được như gói 16.000 tỷ đồng cho vay để trả lương, hay việc hỗ trợ Vietnam Airlines đến nay vẫn chưa triển khai được. “Là do chính sách hay là do hướng dẫn, do tổ chức thực hiện?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề và yêu cầu các báo cáo phải làm rõ hơn nội dung này.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam