Bộ Tài chính đặt mục tiêu thu nội địa năm 2022 tăng 6 - 8%: Dự toán được xây dựng phấn đấu ở mức tích cực, khả thi

23:27 | 15/06/2021 Print
(TBTCVN) - Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024.

Bộ Tài chính đề xuất giảm các khoản phí, lệ phí…

Bộ Tài chính đề xuất giảm các khoản phí, lệ phí… hỗ trợ doanh nghiệp vượt “bão” Covid-19, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu.

Theo dự thảo, thu nội địa năm 2022 phấn đấu tăng khoảng 6 - 8% so với ước thực hiện năm 2021. Nhiều ý kiến lo ngại với số tăng thu này, nhưng theo nhận định của giới chuyên gia, đây là mức phấn đấu thu khá tích cực, thể hiện nỗ lực của ngành Tài chính trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Bám sát tình hình thực tế để dự toán sát mức thu

Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng dự toán thu ngân sách năm 2022 bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính thế giới và trong nước trong bối cảnh tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, khó khăn, đặc biệt là các thách thức, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai. Đồng thời, dự toán phải tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế…

Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 được xây dựng phấn đấu ở mức tích cực, khả thi, theo đúng các quy định của các luật về thuế, phí, lệ phí và các văn bản pháp luật có liên quan. Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.

Theo dự thảo thông tư, trong xây dựng dự toán, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng khoảng 6 - 8% so với ước thực hiện năm 2021 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).

Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 tăng bình quân khoảng 4 - 6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021.

Trong xây dựng dự toán thu nội địa, các địa phương ngoài việc phải đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu, phải tổng hợp đầy đủ các nguồn thu thuộc phạm vi thu ngân sách nhà nước (NSNN) phát sinh trên địa bàn. Đồng thời, dự thảo dự toán loại trừ các khoản theo quy định không thuộc nguồn thu cân đối NSNN trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực tế thực hiện năm 2021, những đặc thù của năm 2022 và số kiểm tra dự toán thu năm 2022 được cơ quan có thẩm quyền thông báo.

Ngoài ra, dự toán thu NSNN năm 2022 phải được xây dựng trên cơ sở hệ thống dữ liệu đối tượng nộp thuế; đảm bảo tính đúng, đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu đối với từng địa bàn, chi tiết số thu từ các nhà máy mới đi vào hoạt động có số thu lớn theo các quy định hiện hành về thuế, phí, lệ phí và thu khác NSNN; các quy định điều chỉnh chính sách theo lộ trình tiếp tục ảnh hưởng tới số thu NSNN năm 2022 và các quy định dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung, áp dụng trong năm 2022 (bao gồm cả thay đổi trong việc phân bổ nghĩa vụ thuế quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14)...

Nỗ lực phấn đấu tạo nguồn đáp ứng nhiệm vụ chi phát sinh

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Đây cũng là năm đầu của thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2022 - 2025, nên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2021 - 2025 và các mục tiêu chiến lược tài chính đến năm 2025.

Chính vì vậy, việc đề ra những mục tiêu phấn đấu tăng thu ngân sách ở mức cao, sẽ góp phần quan trọng để đảm bảo các khoản chi trong dự toán, chi cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh và cho con người, an sinh xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng tới tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách của ngành Tài chính. Tăng trưởng kinh tế không đạt mức theo dự kiến, đã tác động đến tốc độ tăng thu ngân sách. Cùng với đó, ngân sách phải tăng chi cho rất nhiều các nhiệm vụ phát sinh, từ công tác phòng chống dịch đến mua vắc-xin chống dịch Covid-19; giảm thuế, phí, lệ phí và chi hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19... Trong bối cảnh đó, có thể nói ngành Tài chính đã nỗ lực gấp đôi, vừa phải đảm bảo nhiệm vụ thu - chi ngân sách theo dự toán, vừa phải gồng mình cùng cả nước chống dịch.

Có ý kiến lo ngại, liệu trong bối cảnh khó có thể đoán định ở phía trước, mục tiêu phấn đấu thu nội địa năm 2022 tăng ở mức từ 6 - 8% liệu có quá tham vọng hay không. Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cho biết, dự toán thu NSNN năm 2022 được xây dựng phấn đấu ở mức tích cực, khả thi, theo đúng các quy định của các luật về thuế, phí, lệ phí và các văn bản pháp luật có liên quan. Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong bối cảnh khó khăn và khó dự đoán như hiện nay thì việc Bộ Tài chính đề ra mức tăng thu như vậy “là rất dũng cảm”. Để cân đối ngân sách, một mặt phải siết giảm chi tiêu thì mặt khác, phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Không phải Bộ Tài chính tự làm khó mình đâu, mà phải đề ra mục tiêu khó mới có nỗ lực phấn đấu và từ đó mới có nguồn để chủ động chi khi có nhiệm vụ phát sinh”. Ông đề nghị, các chính sách tài chính thời gian tới cần tiếp tục theo hướng cắt giảm chi tiêu hiệu quả; mở rộng cơ sở thu, tìm nguồn thu bền vững hơn trong bối cảnh thuế trực thu đang chiếm tỷ trọng ngày càng thấp.

Nhiều giải pháp căn cơ giúp nguồn thu ngân sách bền vững

Gần đây, nhiều ý kiến đề nghị không lồng ghép các chính sách an sinh xã hội vào chính sách ưu đãi thuế; đẩy nhanh tiến độ một số dự án về thuế, như thuế tài sản, đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bên cạnh đó, cần rà soát lại chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI. Đó chính là những giải pháp căn cơ để đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, chúng ta cần phải giải bài toán về thu - chi ngân sách một cách bền vững nhằm tạo nguồn tích lũy cho chi đầu tư phát triển. Theo đó, về cân đối nguồn thu, cần gia tăng những nguồn thu bền vững, nhất là thu từ sản xuất - kinh doanh, trong khi nguồn thu từ dầu thô, thu thuế xuất nhập khẩu đang giảm mạnh. Theo ông, đây là một trong những bài toán không hề dễ dàng, nó đòi hỏi phải tái cấu trúc hệ thống thuế và hướng tới những đối tượng thu ổn định và công bằng, qua đó thực hiện chính sách kiến tạo lại môi trường đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Để cải thiện nguồn thu, trong trước mắt cũng như lâu dài, ngành Tài chính chủ trương tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm xây dựng nền hành chính quốc gia hiện đại, kết nối thông suốt, đi đôi với tăng cường giám sát trong quản lý chi ngân sách.

Đồng thời, chủ động sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm. Trong khi siết giảm chi tiêu, nhưng đối với chi cho con người, vẫn phải bảo đảm nguồn lực thực hiện. Đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội và tiền lương, không để xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ, công chức, viên chức và chính sách đảm bảo xã hội theo chế độ.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam