Cần linh hoạt trong tiếp nhận vốn viện trợ nước ngoài

18:16 | 15/06/2021 Print
(TBTCVN) - Trả lời phỏng vấn của TBTCVN, ông Phạm Quang Tú - Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, không nên áp khung cứng nhắc mà cần linh hoạt trong việc xây dựng dự toán vốn viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.

8

Nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Như vậy, các địa phương cũng sẽ áp dụng dễ dàng hơn và các tổ chức nước ngoài cũng thấy thuận lợi hơn trong việc làm các thủ tục đối với các chính quyền cấp trung ương và địa phương.

PV: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi về dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Từ một số thực tế về tiếp nhận nguồn viện trợ nước ngoài của các địa phương mà Oxfam đã thực hiện viện trợ, ông có bình luận gì về việc xây dựng thông tư này?

Ông Phạm Quang Tú: Trước thực tế khá nhiều địa phương còn lúng túng trong hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật có liên quan đến tiếp nhận vốn viện trợ nước ngoài, tôi đánh giá cao việc Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng thông tư này nhằm hướng dẫn quản lý tài chính nguồn viện trợ nước ngoài thuộc NSNN ở 3 nghị định (NĐ) khác nhau là NĐ56 về viện trợ ODA, NĐ80 về viện trợ không thuộc ODA và NĐ50 về cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai.

pv8

Ông Phạm Quang Tú

Một ví dụ trong khi triển khai các dự án của Oxfam là chương trình cứu trợ khẩn cấp lũ lụt miền Trung 2020. Cách hiểu và cách thức áp dụng của các chính quyền địa phương đối với nguồn vốn này là khác nhau. Đối với tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam thì họ nhận diện ngay nguồn vốn hỗ trợ của Oxfam thuộc hướng dẫn thực thi của NĐ50. Trong khi Hà Tĩnh, Quảng Bình lại có sự băn khoăn áp dụng theo NĐ80 hay NĐ50.

Từ ví dụ đó có thể thấy rằng, cùng một nguồn tài trợ nước ngoài cho dù là thuộc NSNN hay không thuộc ngân sách nhưng với các nguồn khác nhau đang điều chỉnh ở dưới các NĐ khác nhau thì các địa phương có cách hiểu khác nhau, vì thế có sự lúng túng trong việc áp dụng theo quy định nào cho phù hợp, dẫn đến nhiều nguồn viện trợ không được thực hiện một cách kịp thời và nhanh chóng so với nhu cầu. Thực trạng này nếu tiếp tục, có thể dẫn đến việc chúng ta không tận dụng được hết những nguồn viện trợ từ nước ngoài khiến nhà tài trợ chuyển sang địa phương khác hoặc chuyển sang quốc gia khác, đó là điều đáng tiếc.

Chính vì vậy, khi Bộ Tài chính đưa ra một hướng dẫn chung cho cả 3 NĐ đối với nguồn thuộc quản lý NSNN sẽ tạo ra một sự đồng bộ cũng như tạo ra sự dễ hiểu cho các tổ chức tiếp nhận viện trợ thì đó là một sáng kiến tốt, đáng ghi nhận. Tôi hy vọng rằng, hướng dẫn của thông tư này sẽ giúp cho các chính quyền địa phương hiểu rõ hơn về cách thức phê duyệt và triển khai dự án để tránh sự chồng chéo.

PV: Dự thảo thông tư mới này có quy định cụ thể về xây dựng dự toán vốn viện trợ nước ngoài. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Phạm Quang Tú: Theo tôi, việc xây dựng dự toán là phổ biến và cần thiết khi đi theo một quy trình quản lý tài chính chung, bao gồm: dự toán, chi, quyết toán, nhưng cần tính toán phù hợp với loại hình nào.

Dự thảo thông tư có quy định về lập kế hoạch tài chính hàng năm, 3 năm và 5 năm cho các nguồn viện trợ nước ngoài thuộc NSNN. Tuy nhiên, trong 3 nguồn là ODA, viện trợ không phải ODA, viện trợ cứu trợ khẩn cấp thì dường như chỉ có ODA là nguồn có thể được xác định dài hạn và vì thế việc lập kế hoạch tài chính 5 năm gần như chỉ áp dụng được với nguồn vốn này. Còn với 2 loại hình vốn còn lại thì sẽ rất khó trong việc lập kế hoạch 5 năm. Nếu có lập đi nữa thì tính thực tiễn, khả thi cũng không cao, đặc biệt đối với nguồn cứu trợ khẩn cấp theo NĐ50 thì lại càng không có theo kế hoạch, bởi nó chỉ được xác định khi thiên tai xảy ra. Vì thế, nếu dùng một mẫu dự toán chung cho cả 3 loại nguồn vốn sẽ dẫn tới rập khuôn, cứng nhắc và không khả thi.

Con số 3 năm và 5 năm chỉ mang tính chất dự báo, do đó việc sai số trong lập kế hoạch của 3 năm và 5 năm sẽ nhiều hơn, đến khi thực hiện sẽ phải điều chỉnh nhiều. Vì vậy, khi thực hiện phải tạo được độ linh hoạt trong điều chỉnh so với kế hoạch mà không phải tạo ra một yêu cầu quá khắt khe, tránh phải xin lên, xin xuống và phê duyệt nhiều lần.

Theo tôi, đối với nguồn viện trợ có tính chất đầu tư nên áp dụng việc lập kế hoạch theo chu kỳ 3 năm, 5 năm. Còn đối với nguồn cứu trợ khẩn cấp thì nên linh hoạt và cần đảm bảo việc phê duyệt một cách nhanh chóng để có thể thực hiện do tính chất khẩn cấp cứu trợ của nó.

PV: Từ góc độ của tổ chức cung cấp các khoản viện trợ nước ngoài cho Việt Nam, ông có khuyến nghị gì cho dự thảo nghị định này?

Ông Phạm Quang Tú: Trước hết, như trao đổi ở trên, tôi cho rằng, việc lập kế hoạch cần linh động hơn chứ không nên cứng nhắc, quan trọng nhất là cần tập trung nhiều vào quá trình kiểm soát chi và thanh quyết toán.

Ngoài ra, theo tôi, nên bỏ Khoản 2 của Điều 2 trong dự thảo thông tư về đối tượng áp dụng là “Các cơ quan chủ quản chương trình/dự án/phi dự án viện trợ không hoàn lại của nước ngoài”. Lý do là cơ quan chủ quản không phải là đối tượng trực tiếp quản lý và sử dụng khoản viện trợ. Lấy ví dụ, sở nông nghiệp của tỉnh A là chủ khoản viện trợ/chủ dự án thì UBND tỉnh là cơ quan chủ quản. Trong trường hợp này UBND tỉnh chỉ là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cho phép sở tiếp nhận khoản viện trợ này, nhưng nguồn tài trợ sẽ chuyển về tài khoản và do sở nông nghiệp quản lý chi tiêu, thực hiện. Với việc quy định cơ quan chủ quản là đối tượng điều chỉnh của thông tư, đồng nghĩa với việc yêu cầu UBND tỉnh phải thực hiện tất cả những nội dung mà chủ dự án là sở nông nghiệp phải làm. Đây là quy định không sát thực và mang tính hình thức bởi UBND tỉnh không quản lý tiền mà chỉ nhận báo cáo từ sở nông nghiệp. Sở nông nghiệp là cơ quan nhà nước và là một pháp nhân, khi trực tiếp là chủ dự án sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn và nếu có sai sót trong quá trình thực hiện thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan cấp trên.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đề xuất Chính phủ xây dựng một nghị định chung

“Trong viện trợ nước ngoài có 2 loại là thuộc ngân sách nhà nước (NSNN) và không thuộc NSNN. Vì vậy, để đảm bảo tính đồng bộ, chúng tôi đề nghị, thông qua việc xây dựng thông tư này, Bộ Tài chính có thể tổng hợp và tham mưu, đề xuất Chính phủ xây dựng một nghị định chung, hướng dẫn toàn bộ quá trình về kêu gọi tiếp nhận quản lý và sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài. Trong nghị định chung đó sẽ chia ra hai nhánh nguồn thuộc ngân sách và không thuộc ngân sách, bao gồm tất cả từ ODA, không phải ODA và nguồn cứu trợ khẩn cấp. Như vậy sẽ đảm bảo đồng bộ...”
Ông Phạm Quang Tú - Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam

Luyện Vũ (thực hiện)

Luyện Vũ (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam