Mới có 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài đạt trên 3%

10:59 | 14/06/2021 Print
5 tháng đầu năm 2021 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bằng vốn nước ngoài thuộc khối địa phương mới đạt gần 2% so với tổng dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. Mới có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3%.

giải ngân vốn đầu tư bằng nguồn vốn vay nước ngoài

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Sáng ngày 14/6/2021, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 5 tháng đầu năm 2021, các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2021. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì hội nghị.

Nhiều tỉnh, thành phố chưa giải ngân

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, 5 tháng đầu năm 2021 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bằng vốn nước ngoài thuộc khối địa phương mới đạt gần 2% so với tổng dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó có nhiều các tỉnh, thành phố chưa giải ngân. Theo thống kê của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, có tới 37/63 tỉnh, thành phố chưa giải ngân vốn.

Ông Trương Hùng Long cũng cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/5/2021, kế hoạch vốn năm 2021 nhập TABMIS là 48.124,18 tỷ đồng (bằng 75,54% kế hoạch vốn được giao đầu năm), trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương nhập TABMIS là 29.969 tỷ đồng (bằng 86% kế hoạch vốn được giao đầu năm) và vốn cho các địa phương vay lại là 18.154,75 tỷ đồng (bằng 63% kế hoạch vốn được giao đầu năm).

Qua thống kê, mới có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3% (Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Bạc Liêu); nhưng có tới 37/63 địa phương tỷ lệ giải ngân là 0%.

Đánh giá về tình hình giải ngân, ông Trương Hùng Long cho biết, số vốn đã giải ngân là hơn 1.100 tỷ đồng, bằng 1,73% dự toán, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương giải ngân là 616 tỷ đồng và vốn cho các địa phương vay lại giải ngân là hơn 484 tỷ đồng.

Để giải ngân số vốn nêu trên, từ đầu năm tới nay, Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) đã nhận được 650 hồ sơ đề nghị rút vốn; trong đó đã ký đơn rút vốn 609/650 hồ sơ, trả lại 41/650 do không đủ điều kiện rút vốn, hiện không còn đề nghị rút vốn tồn đọng.

Đại diện 11 địa phương đã báo cáo về tình hình thực tế giải ngân vốn đầu tư công bằng nguồn vốn nước ngoài, đồng thời nêu rõ nguyên nhân cũng như nêu kiến nghị để triển khai giải ngân trong những tháng còn lại của năm 2021.

Theo ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, đến hết tháng 5 /2021 giá trị giải ngân vốn ODA, tính theo số đã gửi đơn rút vốn đến Bộ Tài chính, là 551 tỷ đồng. Thực hạch toán ghi thu ghi chi tại Kho bạc Nhà nước là 6,8%. Tuy nhiên, qua số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, số giải ngân của Hà Nội mới được hơn 222,6 tỷ đồng, đạt 2,84%.

Công tác giải ngân tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng tương tự như vậy. Cụ thể, đến nay, số vốn giải ngân theo đơn rút vốn gửi đến Bộ Tài chính là 1.223 tỷ, đạt 9,38%. Trong đó, vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương là 140 tỷ đồng, đạt 3,9%; vốn ODA địa phương vay lại giải ngân đạt 606 tỷ đồng (6,48%) và vốn ODA địa phương vay lại năm 2020 chuyển sang là 475 tỷ đồng, đạt 99,7%.

Tuy nhiên, thống kê của Bộ Tài chính, số vốn giải ngân của TP. Hồ Chí Minh tính đến 31/5 được hơn 252 tỷ đồng, đạt 1,28% kế hoạch.

giải ngân vốn vay nước ngoài
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh

Cần rà soát, cập nhật số liệu giải ngân

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, hội nghị đã nghe ý kiến của 10 địa phương, đa số ý kiến thống nhất với báo cáo tại hội nghị. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thống nhất với ý kiến rà soát lại số liệu giải ngân để trên cơ sở đó tổng hợp báo cáo con số mang tính thực chất.

Thứ trưởng đề xuất, các địa phương cập nhật, số liệu tính đến 11/6, tách biệt rõ số liệu giải ngân vốn thuộc năm 2020 chuyển sang 2021 và số liệu giải ngân theo dự toán của năm 2021 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ trưởng cũng đề nghị, các địa phương cần làm rõ 3 số liệu cơ bản: số liệu kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước; số giải ngân thực tế (bao gồm các đơn rút vốn thanh toán trực tiếp, các đơn rút vốn chuyển về tài khoản đặc biệt); số ghi thu ghi chi – là số thực hiện hoàn tất hồ sơ chứng từ,…

Về nguyên nhân, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, cơ bản thống nhất về nguyên nhân chậm triển khai giải ngân các địa phương đã báo cáo, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Về khách quan, bao gồm: ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chuyên gia không sang được; nhập vật tư thiết bị ở nước có dịch; thiết bị của dự án thay đổi theo yêu cầu của nhà tài trợ; hợp đồng vay vốn trình tự kéo dài.

Còn về chủ quan tập trung vào việc: không có khối lượng thực hiện đủ điều kiện thanh toán (chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, tiến trình triển khai chậm,…); chậm xử lý đơn rút vốn; chậm đấu thầu; vướng mắc trong thực hiện hợp đồng; chậm triển khai công việc và xác nhận khối lượng hoàn thành; chậm tổng hợp hồ sơ đề nghị rút vốn.

Về giải pháp, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị, các địa phương tập trung thực hiện đúng các giải pháp theo 3 nhóm: cơ quan chủ dự án; cơ quan chủ quản dự án (UBND tỉnh, thành phố); cơ quan có vai trò tổng hợp (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam