Địa phương hụt thu phải giảm chi trong dự toán

09:50 | 14/06/2021 Print
Theo Bộ Tài chính, đối với các địa phương hụt thu ngân sách, sau khi đã sử dụng các nguồn lực mà vẫn không đảm bảo bù đắp số giảm thu, UBND tỉnh trình thường trực HĐND thực hiện sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán năm.

tiền

Các địa phương phải chủ động xây dựng phương án điều hành sử dụng các nguồn lực để đảm bảo cân đối NSĐP. Ảnh: TL.

Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền giao chỉ tiêu thu ngân sách cho tỉnh phù hợp với khả năng thu của địa phương. Trường hợp tỉnh bị hụt thu do nguyên nhân khách quan đề nghị trung ương cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để bù đắp số giảm thu ngân sách.

Bộ Tài chính cho biết, về việc giao chỉ tiêu thu ngân sách, căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), dự toán thu NSNN được xác định trên cơ sở dự báo khả năng phát triển kinh tế của năm kế hoạch, được tổng hợp đầy đủ các nguồn thu thuộc phạm vi thu NSNN phát sinh trên địa bàn cũng như hệ thống dữ liệu đối tượng nộp thuế. Đồng thời, dự toán thu phải đảm bảo tính đúng, đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu đối với từng địa bàn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá xảy ra trên diện rộng; dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động thu, chi NSNN, nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế nước ta đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.

Vì vậy, khi thảo luận dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 với các địa phương, Bộ Tài chính đã nhận định được sự khó khăn trong việc cân đối, điều hành tài chính ngân sách của các địa phương trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, đã rà soát, tổng hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền giao dự toán NSNN cho các địa phương phù hợp với khả năng thu của địa phương cũng như đảm bảo yêu cầu tại Chỉ thị 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán NSNN năm 2021.

Về việc điều hành ngân sách trong trường hợp ngân sách địa phương bị giảm thu do nguyên nhân khách quan, Bộ Tài chính cũng cho ý kiến về vấn đề này.

Trước bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách địa phương (NSĐP) những tháng cuối năm 2020, phấn đấu thu NSNN đạt mức cao nhất.

Đồng thời, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên cân đối ngân sách trung ương năm 2020 khó khăn, vì vậy, trường hợp dự kiến thu NSĐP giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao trong khi vẫn phải chi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thì phải chủ động xây dựng phương án điều hành sử dụng các nguồn lực của mình theo quy định để đảm bảo cân đối NSĐP.

Cụ thể: huy động nguồn dự phòng NSĐP và tối đa phần còn lại của 70% số dư Quỹ dự trữ tài chính đầu năm 2020 (sau khi đã sử dụng theo chế độ quy định để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19); huy động nguồn kết dư NSĐP, phần tăng thu NSĐP năm 2019 chuyển nguồn sang năm 2020 sau khi đã dành nguồn để cải cách tiền lương theo quy định (nếu có) và các nguồn lực tài chính hợp pháp khác của địa phương theo quy định.

Trường hợp địa phương có nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết vượt lớn so với dự toán, UBND xin ý kiến thường trực HĐND cùng cấp sử dụng nguồn tăng thu này để đảm bảo nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung trong cân đối dự toán NSĐP năm 2020 khi nguồn thu ngân sách từ thuế, phí bị hụt so với dự toán.

Trường hợp còn nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư NSĐP... của các năm trước dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để bù đắp cân đối NSĐP, khi đó các địa phương báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện theo đúng nghị quyết của Quốc hội./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam