Giá xăng dầu, thép đè nặng áp lực lạm phát

10:51 | 13/06/2021 Print
(TBTCVN) - Giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới tăng mạnh gây áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, thời điểm này, dù giá một số loại nhiên nguyên vật liệu tăng, nhưng không quá lo ngại lạm phát sẽ “vượt trần”.

gia

Chỉ riêng mặt hàng xăng, dầu dự báo năm nay giá có thể tăng tới 25%.

Giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới như xăng dầu, sắt thép tăng mạnh, thời gian qua đã gây áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, thời điểm này, dù giá một số loại nhiên nguyên vật liệu tăng, nhưng không quá lo ngại lạm phát sẽ “vượt trần”. Ông dự báo, CPI năm 2021 tăng khoảng 3% so với năm 2020 và lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng khoảng 2% so với bình quân năm 2020.

Xăng dầu, thép vẫn neo ở mức cao

Thời gian vừa qua, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới. Trong tháng 5, giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh 2 lần, tác động làm tăng giá sản phẩm, hàng hóa sử dụng xăng dầu trực tiếp.

Trong phiên giao dịch ngày 2/6 theo giờ Việt Nam, giá dầu ngọt WTI của Mỹ trên thị trường thế giới có thời điểm tăng tới 1,76 USD lên 68,07 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô biển Bắc (Brent) cũng tăng mạnh 0,38 USD lên 70,63 USD/thùng. Với các mức giá giao dịch hiện nay, theo bảng thống kê lịch sử giao dịch giá dầu của trang www.Oilprice.com, giá dầu ngọt WTI của Mỹ đang giữ đỉnh giá cao nhất lập được trong nhiều năm qua, tính từ thời điểm tháng 10/2018 đến nay. Tương tự, với mức giá cao nhất tiến sát 71 USD/thùng lập được tính đến chiều ngày 2/6, giá dầu Brent cũng đang lập đỉnh giá cao nhất tính từ tháng 4/2019.

Nhu cầu tiêu dùng xăng dầu toàn cầu trong các ngày đầu tháng 6/2021 tăng cao trở lại trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều nước lớn trên thế giới hồi phục mạnh mẽ, bất chấp những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, được nhìn nhận là yếu tố chính khiến giá dầu tăng vọt trên thị trường thế giới.

Giá dầu thế giới tăng cao đang gây nhiều áp lực lên giá xăng dầu tại thị trường trong nước cũng như mục tiêu kiểm soát lạm phát. Giá xăng dầu trong những ngày qua dù tăng không cao nhưng vẫn biến động theo chiều hướng tăng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, việc giá xăng, dầu trong nước bình quân 5 tháng tăng 12,08% so với cùng kỳ năm trước là một trong những nguyên nhân chính làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 5 tháng đầu năm 2021. Lạm phát cơ bản tháng 5/2021 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021 lạm phát cơ bản tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, biến động tăng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng.

Tương tự, giá nguyên liệu trên thế giới tăng cao, cùng với nhu cầu xây dựng trong nước tăng, khiến giá nguyên liệu đầu vào sản xuất sản phẩm gang, sắt, thép 5 tháng đầu năm 2021 tăng đến 7,76%.

Từ tháng 1/2021, một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép thông báo điều chỉnh tăng giá bán khoảng từ 300 - 900 đồng/kg tùy theo chủng loại và nhà sản xuất. Trong tháng 4/2021, mức tăng đã lên khoảng 1.600 - 1.700 đồng/kg tùy từng chủng loại. Hiện nay, giá bán tại các nhà máy sản xuất thép khoảng từ 16.200 - 17.800 đồng/kg tùy chủng loại và nhà sản xuất. Đây là giá giao tại nhà máy, chưa bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng, chiết khấu bán hàng.

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa đã lý giải nguyên nhân giá thép không giảm mà vẫn neo ở mức cao là do chi phí đầu vào tất cả các nguyên liệu đều tăng. Đặc biệt, ngành thép Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu thế giới. Khi giá nguyên liệu thế giới tăng khiến giá thép thành phẩm tăng tương ứng.

Không bất ngờ trước những biến động của thị trường

Theo dự báo trong thời gian tới thị trường sắt thép Việt Nam sẽ hạ nhiệt với tốc độ vừa phải và có thể sẽ xác lập mặt bằng giá mới. Đối với giá dầu, dự báo giá dầu Brent bình quân năm 2021 tăng 40% so với năm 2020, nên giá xăng dầu trong nước năm nay có thể tăng khoảng 25%, tác động làm CPI cả năm tăng 0,9 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến CPI như nhóm mặt hàng nguyên nhiên liệu; đặc biệt, giá các loại vật liệu xây dựng như sắt thép, cát, đá... biến động mạnh thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác.

Đối với giá xăng dầu, liên Bộ Công thương - Tài chính đã chủ động, linh hoạt và đã có kinh nghiệm trong điều hành, nên điều chỉnh tăng, giảm có kiểm soát và tính toán kỹ các tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát. Do đó về cơ bản không lo ngại yếu tố bất thường, ảnh hưởng trực tiếp đến CPI.

Mặc dù mặt hàng sắt thép không nằm trong danh mục các mặt hàng Nhà nước quản lý giá, nhưng Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiện tượng lợi dụng tăng giá nguyên liệu đầu vào để tăng giá bất hợp lý.

Năm 2021, Quốc hội đã quyết định CPI tăng khoảng 4%, nhưng trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại và có diễn biến hết sức phức tạp, một số ý kiến bày tỏ lo ngại, yếu tố này đang tác động tiêu cực đến việc kiểm soát lạm phát như mục tiêu đã đề ra.

Ngay từ đầu năm, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã cho rằng, năm nay giá cả một số mặt hàng rất khó đoán định. Bên cạnh đó, những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc quản lý, điều hành giá.

Những biến động giá gần đây đều trong tầm kiểm soát và dự đoán của cơ quan quản lý giá, tuy nhiên, không chủ quan trước tình hình. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, thời gian tới vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới. Đó là giá nhiên liệu, phôi thép, thép phế liệu thế giới có thể tăng cao đột biến, khiến cho giá trong nước tăng theo; căng thẳng thương mại tại các quốc gia, nhất là Mỹ - Trung Quốc; căng thẳng chính trị tại nhiều vùng lãnh thổ; sự phục hồi của nền kinh tế… gây áp lực lên giá xăng dầu trên thế giới. Công tác điều hành giá vẫn nhất quán theo hướng linh hoạt, thận trọng, đúng theo chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Công tác điều hành giá vẫn nhất quán theo hướng linh hoạt, thận trọng

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, thời gian tới vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới. Đó là giá nhiên liệu, phôi thép, thép phế liệu thế giới có thể tăng cao đột biến, khiến cho giá trong nước tăng theo; căng thẳng thương mại tại các quốc gia, nhất là Mỹ - Trung Quốc; căng thẳng chính trị tại nhiều vùng lãnh thổ; sự phục hồi của nền kinh tế… gây áp lực lên giá xăng dầu trên thế giới.


Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam