Giải bài toán tăng trưởng cho những tháng cuối năm

10:46 | 13/06/2021 Print
(TBTCVN) - Kinh tế Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với hai đợt Covid-19 bùng phát trở lại. Trước áp lực đó, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và rà soát, cập nhật lại kịch bản tăng trưởng năm 2021.

ngan

Cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục để khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Áp lực lớn trong những tháng cuối năm

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam hiện vẫn đang theo xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát… Dựa trên các số liệu đã đạt được trong 5 tháng qua và tình hình tháng 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, quy mô tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đạt gần 4 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%.

Tốc độ tăng trưởng này thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I năm 2021 (tăng 5,92%).

Chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được dự báo ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 43% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt 34,85%).

Về khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, dự báo phát triển ổn định nhưng tiêu thụ nông sản gặp khó khăn. Mức tăng trưởng của khu vực này trong nửa đầu năm ước đạt khoảng 3%, thấp hơn 0,34 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản của Nghị quyết số 01/NQ-CP và thấp hơn 0,46 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản cập nhật (3,46%).

Trong khi đó, tuy sản xuất công nghiệp - xây dựng phục hồi nhưng do dịch Covid-19, một số khu công nghiệp bị ảnh hưởng, nhất là sản xuất các sản phẩm điện tử. Do đó, dự báo tăng trưởng khu vực này đạt khoảng 7,85%, thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản ở Nghị quyết 01. Còn khu vực dịch vụ, dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 5%, thấp hơn 0,33 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản của Nghị quyết số 01.

Như vậy, với tốc độ tăng trưởng GDP quý I và dự báo 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra, thì áp lực rất lớn đang đặt vào các tháng cuối năm. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của toàn nền kinh tế thì mới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra là 6,5%.

Chuẩn bị các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài

Trước tình hình này, mới đây, tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 8/6/2021, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2021.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề án sẽ tập trung thảo luận, nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2021. Các chính sách, giải pháp đề xuất có thể phân tích thành 2 nhóm chính. Thứ nhất, các chính sách, giải pháp có thể ban hành, thực hiện được ngay và có tác động tức thì trong các tháng cuối năm 2021 để thực sự thúc đẩy tăng trưởng năm 2021. Nhóm hai là các chính sách, giải pháp mang tính căn cơ, dài hạn có thể nghiên cứu, chuẩn bị và triển khai ngay trong thời điểm hiện tại để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025.

Để phục hồi kinh tế, nỗ lực để đạt được tăng trưởng cao nhất trong năm nay, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, ưu tiên hàng đầu là phải tiếp tục các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh.

Theo TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam, ưu tiên số một hiện nay là phải dập dịch, ổn định kinh tế vĩ mô, còn những biện pháp khác để kích thích kinh tế mạnh mẽ cần phải rất thận trọng. Bởi lẽ, các dư địa về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ năm nay đã bị thu hẹp rất nhiều. Trong khi ngân sách vẫn eo hẹp, các áp lực về lạm phát đang tăng lên, dẫn đến khả năng hạ được lãi suất ngày càng khó khăn hơn. “Cách tốt nhất bây giờ là cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, xác định các khoảng trống để bổ sung, hỗ trợ cho nhau” - chuyên gia này đề xuất.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục để khuyến khích đầu tư nước ngoài, kích thích đầu tư tư nhân. Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, trên cơ sở phòng dịch và đảm bảo an toàn, trước mắt chúng ta vẫn phải tìm mọi cách để duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường nhất có thể, đặc biệt là trong các khu công nghiệp. Tinh thần chính lúc này là các địa phương, doanh nghiệp vẫn phải chủ động khắc phục khó khăn. “Nên tôi cho rằng, việc Chính phủ chỉ đạo phải vừa chống dịch, vừa duy trì các hoạt động kinh tế là rất đúng hướng” - PGS.TS. Vũ Sỹ Cường nói.

Xem xét thận trọng về các gói kích thích lớn

Theo TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam, những biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng như các gói kích thích hay những biện pháp tài chính tiền tệ cần phải được xem xét kỹ lưỡng tác động được đến đâu, nguồn lực như thế nào, dư địa còn bao nhiêu để làm được điều đó. “Những vấn đề này theo tôi tại thời điểm này chúng ta đang thiếu dư địa, nguồn lực để thực hiện. Việc bàn đến những gói kích thích lớn, hay hỗ trợ mạnh mẽ có lẽ giai đoạn này là chưa phù hợp” - TS. Lê Duy Bình nhận định.


Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam