Thí điểm cổ phần hóa hai bước với doanh nghiệp nhà nước

10:31 | 11/06/2021 Print
(TBTCVN) - Một trong những điểm mới của Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là sẽ thí điểm cho phép các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển sang mô hình công ty cổ phần, sau đó mới thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng (IPO) để thực hiện đăng ký giao dịch

Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

Điểm mới của Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là sẽ thí điểm cho phép các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển sang mô hình công ty cổ phần.

và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Đổi mới cách thức, phân cấp phân quyền nhiều hơn

Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025" đã được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ. Nội dung đề án có nhiều điểm mới, trong đó tập trung vào việc đổi mới cách thức xây dựng danh mục và tổ chức triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo hướng phân công, phân cấp nhiều hơn cho bộ, ngành và địa phương để tạo sự chủ động; gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quyết định tiến độ thời gian thực hiện phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đảm bảo yếu tố khả thi, công khai, minh bạch, theo nguyên tắc thị trường, đem lại hiệu quả cao nhất cho nhà nước.

Việc xây dựng và phê duyệt đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo các DNNN rà soát, đánh giá kết quả triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực, nội dung chính của DNNN trong giai đoạn 2011 - 2020, từ đó xây dựng đề án cơ cấu lại cho các nội dung chưa triển khai, hoặc chưa hoàn thành. Đồng thời, đề án gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan liên quan và cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc phê duyệt, chỉ đạo, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện đề án cơ cấu lại DNNN trong giai đoạn 2021 - 2025.

Một trong những cách thức triển khai mới được nêu tại Đề án là sẽ thí điểm áp dụng phương thức chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước sang hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp cổ phần do tổ chức kinh tế nhà nước, DNNN là các cổ đông.

Cơ sở pháp lý của phương thức này thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2020 nhằm bổ sung thêm phương thức chuyển đổi sang công ty cổ phần đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bên cạnh phương thức cổ phần hóa DNNN. Tuy nhiên do đặc thù các cổ đông là DNNN, nên chủ sở hữu nhà nước cần ban hành quy định có hướng dẫn cụ thể hơn Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2020 đối với hình thức chuyển đổi này.

Thêm thời gian để tăng giá trị doanh nghiệp trước khi IPO

Theo cơ quan soạn thảo đề án, giải pháp này nhằm cho phép các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển sang mô hình công ty cổ phần sau đó mới thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng (IPO) để thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán như quá trình cổ phần hóa (hay chính là cổ phần hóa hai bước).

Trong đó, bước một là DNNN chuyển sang hình thức công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp. Sau khi chuyển sang công ty cổ phần, doanh nghiệp tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy công khai minh bạch thông tin. Việc quản lý, chỉ đạo của cơ quan địa diện chủ sở hữu đảm bảo nguyên tắc thị trường - dưới vai trò là cổ đông lớn của doanh nghiệp, không trực tiếp can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp.

Sang bước 2, khi đủ điều kiện, doanh nghiệp sẽ thực hiện IPO để thành công ty đại chúng và thực hiện đăng ký giao dịch/hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Với giải pháp này, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, quá trình cổ phần hóa sẽ được đảm bảo thực chất, hiệu quả hơn do có thời gian để gia tăng giá trị doanh nghiệp trước khi bán cổ phần, công khai minh bạch thông tin, cơ hội chọn được các nhà đầu tư phù hợp cao hơn. Đồng thời, cách làm này cũng giúp Chính phủ trong việc duy trì tỷ lệ vốn điều lệ hợp lý, lựa chọn thời điểm, lựa chọn nhà đầu tư chặt chẽ, hiệu quả khi cổ phần hóa các DNNN trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia như: Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone. Về cơ chế, chính sách cụ thể, cơ quan soạn thảo đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng để thực hiện phương án này.

Dự kiến sau khi được Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành, Đề án sẽ làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, DNNN triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Thuê, tuyển dụng người quản lý doanh nghiệp nhà nước


Bên cạnh việc phân cấp, phân quyền nhiều hơn, đề án cũng bổ sung về trách nhiệm và giám sát của các cơ quan liên quan. Theo đó, bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trước cơ quan đại diện chủ sở hữu; phân định rõ việc quản lý vốn tại doanh nghiệp và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng tiến hành thuê, tuyển người quản lý doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trên 50% vốn nhà nước. Cơ quan đại diện phần vốn nhà nước đóng vai trò định hướng phát triển cho doanh nghiệp, giám sát các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đảm bảo doanh nghiệp hoạt động đúng quy định của pháp luật, kịp thời xử lý nếu thấy doanh nghiệp phát sinh sai phạm; sửa đổi cơ chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam