Quản lý rủi ro hàng hóa xuất nhập khẩu: Thay đổi căn bản quản lý từ thủ công sang tự động hóa

10:21 | 11/06/2021 Print
(TBTCVN) - Tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đảm bảo “dòng chảy” thương mại gắn với chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp là mục tiêu cốt lõi được ngành Hải quan đặt ra.

Cán bộ hải quan rà soát tờ khai của doanh nghiệp để phục vụ công tác tính thuế.

Cán bộ hải quan rà soát tờ khai của doanh nghiệp để phục vụ công tác tính thuế. Ảnh: Duy Hải

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, công tác quản lý rủi ro đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước của cơ quan hải quan”. Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro về hải quan, Tổng cục Hải quan Nguyễn Nhất Kha khái quát như vậy, khi đánh giá tổng kết 10 năm hoạt động của Cục Quản lý rủi ro.

Tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa giảm còn 4,91%

Ông Nguyễn Nhất Kha cho biết, hoạt động quản lý rủi ro (QLRR) ngày càng chứng tỏ được vai trò là phương pháp quản lý hữu hiệu của cơ quan hải quan trong thực hiện mục tiêu “kép” vừa tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), hành khách xuất nhập cảnh hợp pháp vừa đảm bảo kiểm soát, phát hiện các trường hợp gian lận và vi phạm hải quan; đảm bảo nguồn thu quốc gia, trong bối cảnh thương mại quốc tế phát triển mạnh mẽ.

Thành quả quan trọng của công tác QLRR trong sự phát triển của ngành Hải quan đó là công tác phân luồng quyết định kiểm tra trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK ngày càng hoàn thiện; tỷ lệ phân luồng vượt chỉ tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020.

Bằng việc áp dụng QLRR kết hợp với chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", ngành Hải quan đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong phương thức quản lý hải quan, từ thủ công sang tự động hóa; qua đó làm giảm đáng kể tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa, thông qua việc phân luồng thông quan hàng hóa. Cải cách này, giúp cho cơ quan hải quan tiết giảm được nhân lực cho các khâu nghiệp vụ giám sát, kiểm tra hàng hóa và doanh nghiệp (DN) tiết giảm được thủ tục và chi phí phí hành chính.

Cụ thể, năm 2011 tỉ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa 12,62%, năm 2014 là 9,68%, năm 2020 giảm còn 4,91%; đồng thời đã góp phần đơn giản hoá thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan, tiết kiệm nguồn lực cho cả cơ quan hải quan và DN, giảm chi phí của DN trong quá trình thông quan hàng hóa.

Nâng cao tính tuân thủ pháp luật về hải quan

Cũng theo ông Nguyễn Nhất Kha, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ QLRR ngày càng được triển khai sâu rộng trong các nghiệp vụ của ngành Hải quan nhằm mục tiêu nâng cao tính tuân thủ của DN về pháp luật XNK. Đến nay, ngành Hải quan đã tổ chức đánh giá tuân thủ và xếp hạng rủi ro đối gần 150.000 DN XNK. Hàng năm, cơ quan hải quan tiến hành thu thập, cập nhật thông tin hàng chục nghìn hồ sơ doanh nghiệp, phân loại và chuyển giao danh sách khoảng 500 DN để lựa chọn kiểm tra sau thông quan để đánh giá tuân thủ.

Ông Nguyễn Nhất Kha cho biết thêm, trong thời gian tới, lực lượng QLRR của ngành Hải quan sẽ tập trung thực hiện cải cách mạnh mẽ công tác QLRR thông qua phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường các trang thiết bị như hệ thống máy soi container nhằm hiện đại hóa hoạt động hải quan vừa rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa vừa kịp thời phát hiện ngăn chặn vi phạm.

Trên thực tế, thông qua hoạt động QLRR, ngành Hải quan đã chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, phát hiện các vi phạm, buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan bằng việc thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra, xây dựng hồ sơ rủi ro, hồ sơ DN trọng điểm; triển khai kế hoạch, chuyên đề kiểm soát rủi ro, xác định trọng điểm, tăng cường lựa chọn kiểm tra không xâm nhập bằng máy soi container, cung cấp thông tin giám sát trực tuyến..., góp phần chống thất thoát ngân sách nhà nước.

Thống kê từ năm 2014 đến năm 2020, số vụ việc vi phạm phát hiện tăng từ 12.337 vụ lên 16.725 vụ. Điều này cho thấy, công tác QLRR hiệu quả đã góp phần nhất định trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, vi phạm pháp luật về hải quan.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố nâng cao hiệu quả máy soi container. Kết quả cho thấy, 5 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng container đã soi chiếu cao hơn gấp 1,9 lần so với cùng kỳ (trung bình đạt khoảng 570 container/ngày); lượng container nghi vấn tăng cao gấp 4,1 lần, số lượng container vi phạm tăng gấp 1,7 lần (với khoảng 200 cont vi phạm). Trong đó, lực lượng hải quan phát hiện nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, DN nhập khẩu hàng hóa không khai báo, khai sai chủng loại... dẫn đến tăng trị giá tính thuế, tăng tiền thuế phải nộp.

Quản lý rủi ro sẽ áp dụng trong Đề án kiểm tra chuyên ngành


Theo ông Nguyễn Nhất Kha, phương pháp quản lý rủi ro về hải quan sẽ được triển khai áp dụng trong kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm theo tinh thần cải cách của Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành, tại Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thông qua hoạt động quản lý rủi ro, cơ quan kiểm tra nhận diện được nhà nhập khẩu nào tuân thủ tốt pháp luật, nhà nhập khẩu nào thường xuyên vi phạm pháp luật, có rủi ro cao trong nhập khẩu hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, để từ đó tạo thuận lợi hoặc tăng cường kiểm tra đối với các nhà nhập khẩu theo các mức độ rủi ro khác nhau. Những loại hàng hóa của nhà sản xuất đáp ứng đạt chất lượng, an toàn thực phẩm nhập khẩu được áp dụng cơ chế chuyển đổi phương thức kiểm tra từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm và các doanh nghiệp được kế thừa kết quả kiểm tra của các doanh nghiệp trước đó nhập khẩu.

Hải Linh (thực hiện)

Hải Linh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam