4 mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025

15:06 | 09/06/2021 Print
Theo Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025" đã được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn tiếp theo của quá trình cơ cấu lại các DNNN có 4 mục tiêu chính và 6 nhóm nhiệm vụ.

DNNN

Ảnh T.L minh họa

Xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ theo nguyên tắc thị trường

Cụ thể, mục tiêu thứ nhất của việc cơ cấu lại DNNN là nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN thông qua tập trung đầu tư, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các nước trong khu vực; áp dụng chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt; củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Mục tiêu thứ hai là tiếp tục thực hiện sắp xếp lại DNNN, tập trung giữ những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Đến năm 2025, hoàn tất việc sắp xếp lại khu vực DNNN, trong đó lấy giải pháp chuyển sang hình thức công ty cổ phần (bao gồm cả cổ phần hóa) là giải pháp chủ yếu.

Đối với những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN, Đề án nêu rõ mục tiêu thứ ba là phải cơ bản xử lý xong theo nguyên tắc thị trường và tuân thủ quy định pháp luật. Nhà nước sử dụng nguồn lực để thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật; đảm bảo các yêu cầu về an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường và ổn định xã hội.

Mục tiêu thứ tư là nâng cao hiệu lực, hiệu quả pháp luật việc công khai, minh bạch thông tin DNNN; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của DNNN, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thí điểm chuyển hình thức công ty TNHH MTV sang công ty cổ phần

Cùng với 4 mục tiêu nêu trên, Đề án đề ra 6 nhóm nhiệm vụ.

Thứ nhất là hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung các nội dung: đẩy mạnh phân công, phân cấp, tạo sự chủ động, gắn trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu; hoàn thiện mô hình của cơ quan đại diện chủ sở hữu, nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý vốn nhà nước tại DN; thực hiện đổi mới cơ chế lương, thưởng, đãi ngộ theo cơ chế thị trường; thúc đẩy đổi mới quản trị DN theo thông lệ quốc tế.

Đồng thời, có cơ chế đủ mạnh để các DNNN đẩy nhanh xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số, gia tăng nghiên cứu phát triển, chuyển giao áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý, giám sát DNNN; và thực hiện nghiêm công khai, minh bạch thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN gắn tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu.

Thứ hai, đẩy mạnh, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN theo hình thức chủ yếu là cổ phần hóa, thoái vốn các DNNN theo đúng nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và đúng quy định pháp luật. Rà soát, đánh giá hiệu quả của phương án cổ phần hóa, thoái vốn để xây dựng lộ trình, thời điểm phù hợp thực hiện phương án cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn 2021-2025. Thí điểm chuyển đổi một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ từ hình thức công ty TNHH MTV sang hình thức DN cổ phần, trong đó các cổ đông là các tổ chức kinh tế nhà nước, DNNN có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

Nhiệm vụ thứ ba là xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả không để kéo dài, chậm trễ, gây thất thoát tài sản nhà nước. Việc xử lý phải đúng thẩm quyền, không can thiệp hành chính từ cơ quan nhà nước làm thay DN, nếu không thể phục hồi đề nghị chuyển sang hình thức phá sản, giải thể, thanh lý.

Nhiệm vụ thứ tư là triển khai củng cố, hoàn thiện mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu theo đúng vai trò quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới, cơ cấu lại của các DNNN. Hoàn thiện cơ chế theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, đồng thời tăng cường nhiệm vụ giám sát, kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Trong nhóm nhiệm vụ thứ năm, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tiếp tục hoàn thiện hoặc xây dựng Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở rà soát kết quả đã thực hiện để tập trung vào các lĩnh vực cần tiếp tục cơ cấu lại.

Nhóm nhiệm vụ thứ sáu là người đứng đầu các ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại DN; tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án được duyệt. Tăng cường sự giám sát của các bộ, ngành và cơ quan đại diện chủ sở hữu gắn với đổi mới phương thức đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN theo mục tiêu, tiêu chí tổng thể./.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam