Đề cao vai trò chủ trì đưa chính sách vào cuộc sống

10:33 | 09/06/2021 Print
(TBTCVN) - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu với 7 nội dung cải cách lớn, tạo bước đột phá trong tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cán bộ hải quan và bộ đội biên phòng giám sát hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Cán bộ hải quan và bộ đội biên phòng giám sát hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: Thanh Hoa

Việc quan trọng nhất hiện nay của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan là chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành cụ thể hóa các nội dung cải cách, xây dựng nghị định về kiểm tra chuyên ngành. PGS. TS. Vũ Duy Nguyên - Phó trưởng Khoa Thuế và Hải quan - Học viện Tài chính nói như vậy, trong cuộc trò chuyện với phóng viên TBTCVN.

PV: Thưa ông, Quyết định số 38/QĐ-TTg (Quyết định số 38)có nội dung cải cách đáng chú ý là giao cơ quan hải quan làm đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu. Ông có bình luận gì về cải cách này ?

PGS. TS. Vũ Duy Nguyên: Mục đích của Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (Đề án KTCN) không chỉ hướng tới việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác KTCN mà còn xuất phát từ lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Đó là giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam.

PGS. TS. Vũ Duy Nguyên:

PGS. TS. Vũ Duy Nguyên

Chính vì vậy, Đề án KTCN đưa ra 7 cải cách lớn, nhằm cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu. Trong đó, cải cách quan trọng nhất và mang tính đột phá của đề án KTCN là Chính phủ giao cơ quan hải quan là đầu mối (thống nhất) trong KTCN đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo tôi lợi ích của việc cơ quan hải quan là đầu mối KTCN chính là việc cắt giảm đầu mối DN phải thực hiện thủ tục hành chính so với trước đây rất nhiều.

Cụ thể, cơ quan hải quan sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu; quyết định phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm); thực hiện kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hàng hóa phải lấy mẫu để chứng nhận hợp quy/giám định thì thực hiện việc này tại tổ chức chứng nhận/giám định hoặc các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan được bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định theo lựa chọn của người khai hải quan.

PV: Tại Quyết định 38 có giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai Đề án KTCN ông có bình luận gì về các nội dung đang được Bộ Tài chính cụ thể hóa?

PGS.TS. Vũ Duy Nguyên: Việc giao chủ trì triển khai Đề án KTCN cho Bộ Tài chính theo tôi là phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngành Tài chính trong công tác cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi thương mại, như chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP.

Nhiệm vụ của Bộ Tài chính đã được thể hiện rất rõ trong Quyết định số 38, trong đó đáng chú ý nhất là chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, đơn vị và tổ chức liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện các nội dung cải cách của đề án.

Tôi cho rằng, nghị định về KTCN sẽ giúp cho việc đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực về chất lượng của hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, an ninh kinh tế, an ninh quốc gia. Đồng thời, các quy định đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của các luật như: Luật Hải quan; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật An toàn thực phẩm; Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Thủy sản; Luật Quản lý ngoại thương.

PV: Đề án KTCN có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cộng đồng DN và các bên liên quan tham gia nên việc xây dựng nghị định đòi hỏi sự phối hợp thế nào thưa ông ?

PGS.TS. Vũ Duy Nguyên: Như đã đề cập, Bộ Tài chính có vai trò chủ trì phối hợp với các bộ, ngành trong việc cụ thể hóa 7 nội dung cải cách. Tuy nhiên, để tạo được sự thống nhất về vận hành trong giải quyết thủ tục hành chính liên bộ, nghị định KTCN cũng cần cụ thể được các nội dung về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực thông qua tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, qua đó mới góp phần tạo thuận lợi thương mại, thông quan nhanh hàng hóa cho DN.

Tiếp đến, Bộ Tài chính cần quan tâm đến việc cùng các bộ, ngành tập trung hoàn thiện hệ thống công nghệ tin đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu triển khai mô hình mới tại đề án, nhằm đảm bảo hoạt động tiếp nhận thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu của DN được nhanh chóng, thông suốt.

Hy vọng rằng với sự chủ trì của Bộ Tài chính và chung tay của các bộ, ngành những nội dung cải cách quan trọng mà Đề án KTCN đưa ra sẽ sớm được hiện thực hoá và được truyền tải đầy đủ tinh thần cải cách của Chính phủ trong quá trình sửa đổi quy định pháp luật cũng như quá trình thực thi sau này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Giảm nhiều thủ tục khi cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra

Theo Quyết định số 38/QĐ-TTg, thay vì phải làm việc với nhiều cơ quan, doanh nghiệp chỉ thực hiện với một đầu mối là cơ quan hải quan. Cơ quan hải quan thực hiện đồng thời thủ tục nhập khẩu hàng hóa và thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Phương thức này cho phép hệ thống tự động quyết định đối tượng được miễn, giảm kiểm tra. Doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn, giảm kiểm tra, nhờ đó cắt giảm trình tự, thủ tục và thời gian thông quan hàng hóa (cắt giảm 3 bước thủ tục trong 10 bước đối với quy trình kiểm tra chất lượng, cắt giảm 2 bước thủ tục trong 5 bước đối với quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm).

Hải Linh (thực hiện)

Hải Linh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam