Lập kế hoạch chi tiết để thúc tiến độ giải ngân

19:43 | 08/06/2021 Print
(TBTCVN) - Trước thực tế tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của năm 2021 còn chậm, để đảm bảo kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các chủ đầu tư phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt lưu ý những công việc được điều chỉnh, bổ sung.

da

Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng (Hòa Bình) dung tích khoảng 90 triệu m3 do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư đang được đẩy mạnh thi công.

Phấn đấu giải ngân đến 30/6 phải đạt tối thiểu 40% kế hoạch như chủ đầu tư đã cam kết và đến 30/9 đạt tối thiểu 60% kế hoạch.

5 tháng giải ngân khoảng 2.828 tỷ đồng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 được giao là 9.846 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước (bao gồm cả vốn trái phiếu chính phủ) là 7.001 tỷ đồng, vốn ODA 2.845 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm, khối lượng giải ngân vốn toàn ngành Nông nghiệp ước đạt 2.828 tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch năm.

Thời gian qua, ngành NN&PTNT đã theo sát tình hình thực hiện giải ngân, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giá trị giải ngân các dự án cơ bản đáp ứng và đạt mức trung bình chung của cả nước. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc vẫn đang còn ở phía trước khi những dự án quy mô lớn, kế hoạch vốn năm 2021 nhiều. Một số dự án lớn như 2 dự án Hồ Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình và hồ Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk vẫn đang ở khâu giải phóng mặt bằng. Đồng thời, có những dự án thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng và vốn đối ứng của các địa phương đã cam kết như dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, dự án Hồ chứa nước Bản Lải, dự án hồ chứa nước Ngòi Giành...

Đối với dự án ODA, một số dự án phải kéo dài thời gian thực hiện do dịch Covid-19; không được sử dụng vốn nước ngoài chi trả thuế giá trị gia tăng và chi thường xuyên phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, theo Nghị định 56/2020/NĐ-CP, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư giống như thủ tục phê duyệt mới, phải qua nhiều bước, lấy ý kiến nhiều bộ, ngành nên mất thời gian (thường hơn 6 tháng). Đặc biệt, một số dự án chỉ gia hạn thời gian thực hiện cũng phải thực hiện theo quy trình trên. Không những vậy, mô hình quản lý một số dự án còn không phù hợp...

Lập tiến độ giải ngân cụ thể

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, khối lượng chưa giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2021 còn rất nhiều, vì vậy thời gian tới Bộ NN&PTNT tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân nhanh các công trình, dự án, góp phần tác động đến tăng trưởng và phục vụ cho sản xuất cũng như phòng chống thiên tai, đặc biệt các dự án quan trọng, quy mô lớn.

Cùng với đó, tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, chủ đầu tư triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2021; rà soát, xác định 46 dự án đầu tư cần điều chỉnh, trong đó 36 dự án khối thủy lợi, đê kè và 10 dự án khối nông lâm, viện trường, đang tổ chức thẩm định điều chỉnh cho 4 dự án (Nam Xuân, Ea Hleo 1, Đồng Mít, Nậm Cắt).

Đặc biệt, để bảo đảm các mốc quan trọng trong giải ngân 30/6, 30/9 và cả năm, Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị có giải pháp cụ thể đối với nhóm các dự án. Theo đó, đối với các dự án thuỷ lợi, phòng chống thiên tai (nhóm dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ), mặc dù các chủ đầu tư đều cam kết giải ngân cả năm đạt xấp xỉ 100% kế hoạch, nhưng Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị phải có kế hoạch lường trước một số rủi ro theo nhóm. Cụ thể, đối với nhóm dự án đã được điều chỉnh dự án đầu tư, các chủ đầu tư phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt lưu ý những công việc được điều chỉnh, bổ sung. Đối với các dự án chưa điều chỉnh dự án đầu tư cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ nhanh nhất có thể, không để dồn cuối năm hoặc thời gian của dự án không còn nhiều…

Riêng nhóm dự án ODA, sẽ tích cực giải ngân ở mức cao nhất vượt mức kế hoạch 2021 (tối thiểu đạt 120%) để hỗ trợ thúc đẩy tỷ lệ giải ngân ODA chung của cả Bộ…

Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương không chấp nhận điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện dự án (trừ trường hợp bất khả kháng), do vậy, Bộ NN&PTNT yêu cầu các chủ đầu tư rà soát kỹ các dự án kết thúc năm 2021 để xác định vốn thừa, thiếu so với tổng mức đầu tư và tổng vốn hàng năm đã bố trí. Đồng thời, lập tiến độ giải ngân cụ thể cho tháng 6, 7, 8, 9 và cả năm 2021, trong đó lưu ý giải ngân đến 30/6 phải đạt tối thiểu 40% kế hoạch như chủ đầu tư đã cam kết và đến 30/9 đạt tối thiểu 60%.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn, trình Bộ trước 30/6/2021. Sau thời hạn này, Bộ sẽ không xem xét điều chỉnh vốn kế hoạch. Trường hợp đến cuối năm kế hoạch, chủ đầu tư không hoàn thành kế hoạch đã giao và tiến độ dự án đã duyệt thì sẽ được xem xét hình thức xử lý người đứng đầu theo quy định…

Giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến tiến độ giải ngân


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc và hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng; có phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư giai đoạn 3, Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi sông Lèn và sông Hoàng Mai. Đồng thời, đôn đốc phối hợp đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vướng mắc tại 4 dự án (Dự án Hồ Bản Mòng, tỉnh Sơn La; Dự án Hồ Nậm Cắt, tỉnh Bắc Kạn; Hệ thống tiêu úng Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Dự án Hồ chứa nước Ia Mơr tỉnh Đắk Lắk)…

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam