Giải ngân vốn ODA ngành Nông nghiệp đạt hơn 25% kế hoạch

17:14 | 08/06/2021 Print
Đến ngày 31/5/2021, giá trị vốn nước ngoài của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi là 718,3 tỷ đồng, tương đương 25,2% tổng vốn năm 2021 Bộ được giao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có báo cáo tình hình giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi 5 tháng đầu năm 2021 gửi Bộ Tài chính.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021, Bộ được giao 2.845 tỷ đồng vốn nước ngoài theo Quyết định số 2185/QĐ -TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ đã phân bổ toàn bộ số vốn nước ngoài nêu trên cho 16 dự án ngay từ cuối năm 2020 và 100% số vốn nước ngoài được giao đã được nhập Tabmis, ngoài ra trong quá trình thực hiện Bộ đã điều hòa vốn giữa các dự án cho phù hợp và để tăng giá trị giải ngân, đồng thời đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nội dung này.

Đến ngày 31/5/2021, giá trị vốn nước ngoài đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi là 718,3 tỷ đồng, tương đương 25,2% tổng vốn năm 2021 Bộ NN&PTNT được giao. Tổng số đã gửi đơn rút vốn đến Bộ Tài chính là 814,2 tỷ đồng, tương đương 28,6% tổng vốn năm 2021 Bộ NN&PTNT được giao.

Bộ NN&PTNT nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn nước ngoài. Cụ thể, theo quy định của Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29/6/2019 và Nghị định 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ không cho sử dụng vốn vay cho chi thường xuyên và chi trả thuế VAT, vì vậy các dự án ký trước ngày các văn bản trên có hiệu lực, Bộ phải tiến hành rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư cũng như Hiệp định vay, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện và giải ngân.

Bên cạnh đó, do tác động đại dịch Covid-19, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, huy động chuyên gia tư vấn, nhà thầu nước ngoài một số dự án bị gián đoạn hoặc không huy động được dẫn đến ảnh hưởng tiến độ thực hiện. Không những vậy, các dự án ngành NN&PTNT có tính chất đặc thù, gồm nhiều dự án, công trình nhỏ lẻ trải dài trên địa bàn các tỉnh, khối lượng mỗi lần nghiệm thu thanh toán không lớn, khó khăn trong quản lý và kịp hoàn chứng từ cho Bộ Tài chính sau khi có kiểm soát chi tại Kho bạc.

Ngoài ra, việc xin ý kiến không phản đối của nhà tài trợ các bước trong quá trình thực hiện mất rất nhiều thời gian. Quy định thời gian lập đơn rút vốn của nhà tài trợ không hợp lý.

Không những vậy, mô hình quản lý dự án chưa phù hợp nên Bộ NN&PTNT không chủ động được trong công tác đấu thầu, giải ngân như dự án Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện vay ADB, nhưng công tác đấu thầu thực hiện tập trung tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, một số dự án sẽ đóng khoản vay trong năm 2021 có khối lượng thực hiện nhỏ hơn giá trị hợp đồng, thừa vốn, Bộ NN&PTNT sẽ báo cáo Bộ Tài chính để tiến hành hủy vốn.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam